|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội cho thị trường lao động tại Australia nhờ Hiệp định CPTPP

13:38 | 07/04/2020
Chia sẻ
Quá trình thực hiện Thỏa thuận về Lao động kỳ nghỉ kí năm 2015 giữa hai nước đã thu hút sự quan tâm lớn của nhiều lao động Việt Nam mong muốn làm việc tại Australia. Kể từ khi thực hiện chương trình này, hàng năm Việt Nam đã sử dụng hết hạn ngạch được phép (200 lao động) để đưa lao động Việt Nam sang Australia làm việc trong thời hạn 1 năm.

Các cam kết về lao động của Australia

Mở cửa thị trường và hội nhập về lao động là vấn đề rất đặc thù mà hầu như tất cả nền kinh tế đều rất thận trọng. CPTPP là FTA thế hệ mới nhưng cũng không phải ngoại lệ về lĩnh vực này, theo Nhóm Nghiên cứu – Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI.

Các cam kết mở cửa cũng chỉ dành cho một số đối tượng lao động đặc thù, như các giám đốc, chuyên gia làm việc cho một chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở nước ngoài, lao động cung cấp dịch vụ theo một hợp đồng có sẵn như kĩ sư lắp đặt hoặc bảo trì máy móc thiết bị,... 

Bên cạnh đó, những điều kiện về trình độ, kinh nghiệm đặt ra cho các đối tượng này để được tiếp cận thị trường cũng rất phức tạp và ngặt nghèo.

Cơ hội cho thị trường lao động tại Australia nhờ Hiệp định CPTPP - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AAP)

Việc nhập cảnh tạm thời của lao động sang làm việc tại các nước CPTPP sẽ được tạo thuận lợi hơn theo các nước cam kết, bao gồm hai nhóm cam kết chính sau:

Các cam kết về minh bạch hóa thông tin và thủ tục

CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải thực hiện một số nghĩa vụ minh bạch, trong đó đáng chú ý có:

- Minh bạch hóa thông tin về điều kiện nhập cảnh, bao gồm cả các tài liệu giải thích và biểu mẫu liên quan;

- Thiết lập và duy trì các cơ chế trả lời các câu hỏi liên quan;

- Cung cấp thông tin kịp thời về tình trạng của đơn xin nhập cảnh (nếu được yêu cầu);

- Đảm bảo mức phí nộp đơn và thời gian xử lí phải hợp lí

Các cam kết về hợp tác

Thiết lập một Ủy ban về Nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh: Ủy ban họp định kì 3 năm một lần, để rà soát việc thực hiện các nghĩa vụ của các nước thành viên và các vấn đề phát sinh liên quan khác trong quá trình thực hiện Hiệp định.

Cam kết sẽ xem xét thực hiện các hoạt động hợp tác khác (tư vấn về việc phát triển hệ thống cấp visa điện tử, chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng công nghệ sinh trắc học, hệ thống thông tin hiện đại nhằm đảm bảo an ninh biên giới…).

Cam kết riêng về mở cửa thị trường lao động cho Việt Nam

So với WTO, Australia chỉ mở thêm một loại hình lao động là chuyên viên cài đặt hoặc cung cấp dịch vụ máy móc, thiết bị theo một hợp đồng mua bán cho Việt Nam và các nước CPTPP khác cũng có cam kết mở cửa đối với loại hình lao động này. 

Thời gian lưu trú cho phép đối với loại hình lao động này tối đa là ba tháng. Đối với các loại hình lao động khác, cam kết trong CPTPP tương tự như WTO.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, Australia và Việt Nam có thêm một Thư song phương về Việc làm và Lao động kì nghỉ. Về nội dung, Australia cam kết khi rà soát sẽ nâng số lao động kì nghỉ của Việt Nam được phép sang Australia từ 200 người/năm (theo Thỏa thuận hiện hành) lên 1.500 người/năm.

Đây là một cam kết của Australia rất có lợi cho các lao động trẻ tuổi của Việt Nam muốn kết hợp đi nghỉ (du lịch) với làm việc tại Australia trong thời gian nghỉ. Kể từ khi thực hiện chương trình này, hàng năm Việt Nam đã sử dụng hết hạn ngạch được phép (200 lao động) để đưa lao động Việt Nam sang Australia làm việc trong thời hạn 1 năm.

Cam kết về lao động của Australia trong CPTPP so với AANZFTA và RCEP?

Các cam kết về di chuyển thể nhân trong CPTPP về cơ bản cũng tương tự như AANZFTA. Các cam kết chung của CPTPP có bổ sung thêm một vài nghĩa vụ, chẳng hạn như vấn đề hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và áp dụng các thủ tục liên quan đến việc thụ lí thị thực và an ninh biên giới. 

Còn đối với các cam kết về mở cửa thị trường đối với một số đối tượng lao động đặc thù thì CPTPP tương tự như AANZFTA. Tuy nhiên, trong CPTPP, Australia có thêm các cam kết liên quan đến lao động kì nghỉ cho Việt Nam mà trong AANZFTA không có.

Đối với RCEP, nội dung về Di chuyển thể nhân vẫn đang được đàm phán và hiện chưa công bố thông tin cụ thể nào về đàm phán này.

Phùng Nguyệt