|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cách thâm nhập thị trường Australia cho các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư

21:35 | 04/04/2020
Chia sẻ
Một trong những lí do lớn nhất khiến cho giá trị xuất khẩu dịch vụ (trừ xuất khẩu du lịch) và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, mà cụ thể là thị trường Australia, còn thấp là do năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ, đầu tư của Việt Nam còn hạn chế.

Theo nghiên cứu "Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam từ CPTPP và các FTA liên quan" của nhóm nghiên cứu Trung tâm WTO và Hội nhập (được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ Cựu sinh viên Australia), đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư để tận dụng những cơ hội mở cửa thị trường Australia cần:

1. Nâng cao năng lực cạnh tranh

Cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp dịch vụ và nhà đầu tư của Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thì mới có thể gia tăng giá trị xuất khẩu dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài. 

Hiện tại, ngay cả tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp dịch vụ trong nước cũng đang gặp phải áp lực cạnh tranh khốc liệt và nhiều khi thua ngay trên sân nhà trước các đối thủ nước ngoài. 

Một giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng để nâng cao sức cạnh tranh đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế là liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và trình độ của các doanh nghiệp này. 

Ví dụ như trong lĩnh vực ngân hàng, hàng loạt các ngân hàng nhà nước đã được cổ phần hóa, cho phép sự tham gia của khối ngoại thông qua các hình thức liên doanh, góp vốn, giúp cho thị trường dịch vụ ngân hàng của Việt Nam phát triển sôi động và cạnh tranh hơn với nhiều sản phẩm đa dạng, hiện đại theo kịp xu hướng của thế giới. 

2. Nghiên cứu kĩ thị trường nước ngoài

Khi tiếp cận thị trường nước ngoài, các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư cần nghiên cứu kĩ thị trường. Không giống như qui định đối với hàng hóa như thuế quan và qui tắc xuất xứ tương đối rõ ràng và minh bạch, các qui định đối với dịch vụ và đầu tư thường phức tạp và khó tìm hiểu hơn. 

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nếu không có sự nghiên cứu, tìm hiểu kĩ lưỡng pháp luật và qui định của nước sở tại sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là rủi ro khi xuất khẩu dịch vụ hoặc đầu tư sang nước đó. 

Ngoài ra tìm hiểu thông tin và nhu cầu của khách hàng, tập quán và văn hóa của thị trường xuất khẩu, đầu tư là rất quan trọng để có thành công khi xuất khẩu hoặc đầu tư sang thị trường nước ngoài. 

Những việc này có thể đòi hỏi công sức và chi phí rất cao, nhưng doanh nghiệp cần chấp nhận chi phí cơ hội ban đầu để có thể thu được lợi ích trong lâu dài.

3. Sử dụng các quyền và lợi ích chính đáng của mình theo CPTPP

CPTPP đã đặt ra rất nhiều nghĩa vụ đối với các nước thành viên CPTPP bao gồm Australia, trong việc đối xử với các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư đến từ các nước thành viên CPTPP khác. 

Trong trường hợp các nhà cung cấp dịch của Việt Nam khi tiếp cận thị trường Australia bị đối xử không công bằng, thì có quyền yêu cầu Chính phủ Việt Nam tham vấn với Chính phủ Australia về vấn đề liên quan, nếu không giải quyết được thì kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà nước của CPTPP. 

Đối với trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến đầu tư (như các trường hợp phân biệt đối xử, trung thu trưng dụng tài sản bất hợp lí và không có đền bù thỏa đáng, hoặc bất kì tranh chấp nào khác) thì nhà đầu tư của Việt Nam có quyền trực tiếp kiện Chính phủ Australia theo cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà đầu tư (ISDS) của CPTPP mà không cần phải theo cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà nước kể trên. 

Mặc dù các nhà tư của Việt Nam từ trước đến nay chưa từng sử dụng công cụ này ở nước ngoài nhưng đây là một công cụ hữu hiệu các nhà đầu tư cần phải biết để có thể sử dụng khi cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

4. Vận động chính sách nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ Chính phủ

Mặc dù xuất khẩu dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay còn hạn chế, nhưng lĩnh vực này có nhiều tiềm năng trong tương lai và đem lại những lợi ích nhất định cho nền kinh tế. 

Với những lợi ích chung đem lại cho nhiều ngành kinh tế khác như vậy, các doanh nghiệp dịch vụ và nhà đầu tư có thể vận động chính phủ Việt Nam hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho mình khi xuất khẩu dịch vụ và đầu tư sang Australia. 

Các hình thức hỗ trợ có thể là cung cấp thông tin về thị trường Australia, tổ chức các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp Australia và Việt Nam, thiết lập các tổ chức xúc tiến đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tại Australia, để hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư sang Australia…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần vận động để Chính phủ hoàn thiện hệ thống chính sách về đầu tư ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi chuyển tiền ra nước ngoài hay chuyển lợi nhuận về nước…


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phùng Nguyệt