CPTPP: Cam kết thuế quan của Canada đối với đồ uống Việt Nam
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong CPTPP, Canada cam kết xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế quan đồ uống của Việt Nam, trừ hai dòng thuế:
Sản phẩm mã HS 2202.90.41 (Sữa chocolate) được cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 6 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực.
Sản phẩm mã HS 2202.90.43 (Đồ uống có sữa: Loại khác, có hàm lượng bơ sữa từ 50% trở lên, tính theo trọng lượng, không dùng để bán lẻ) áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức tăng dần từ 1.000 MT (tấn hệ mét) năm thứ nhất lên 1.138 MT từ năm thứ 14 trở đi (chi tiết hạn ngạch từng năm xem Mục TRQ-CA15 của Phụ lục A Lộ trình thuế Canada, Chương 2 Hiệp định CPTPP). Mức thuế trong hạn ngạch là 0%, mức thuế ngoài hạn ngạch là MFN.
So sánh CPTPP với thuế MFN của Canada
Trước Hiệp định CPTPP, Việt Nam và Canada chưa có FTA chung nào; sản phẩm đồ uống Việt Nam thuộc diện áp dụng thuế MFN mà Canada áp dụng chung cho tất cả thành viên WTO chưa có FTA với nước này. Tuy nhiên, mức thuế MFN của Canada đối với đồ uống cũng tương đối thấp.
Cụ thể, thuế MFN trung bình năm 2018 mà Canada áp dụng là:
3,13% đối với các sản phẩm đồ uống mã HS 20.09
1,23% đối với các sản phẩm đồ uống Chương 22 (trừ HS 20.09)
Như vậy, CPTPP chỉ mang đến cho đồ uống và sản phẩm đồ uống Việt Nam lợi thế tương đối về thuế quan (vẫn có thể là đáng kể với một số dòng sản phẩm đồ uống cụ thể đang có mức thuế MFN cao).
Trong khi đó, để tận dụng thuế quan ưu đãi trong CPTPP, sản phẩm đồ uống Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ của sản phẩm này (trong khi thuế MFN không có điều kiện về quy tắc xuất xứ).