|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CPTPP: Cam kết thuế nhập khẩu đối với đồ uống

21:26 | 28/01/2021
Chia sẻ
Trong CPTPP, một số nước Thành viên CPTPP đưa ra mức cam kết mở cửa mạnh, trong khi một số nước khác lại có cam kết cắt giảm thuế quan tương đối dè dặt.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành đồ uống theo nghĩa rộng bao trùm hoạt động sản xuất kinh doanh tất cả loại sản phẩm sử dụng làm đồ uống, từ đồ uống có cồn (như bia, rượu, đồ uống lên men khác...) đến các loại đồ uống không cồn (như nước giải khát các loại, nước trái cây rau củ, các sản phẩm nông nghiệp đặc thù dùng làm đồ uống như sữa, trà các loại, cà phê...) và tất cả loại sản phẩm khác có thể dùng làm đồ uống cho người. 

Trong khuôn khổ nội dung CPTPP với cam kết về thuế nhập khẩu đối với đồ uống, ngành đồ uống được hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm các sản phẩm thuộc Chương 22 – Đồ uống, rượu (nhưng không bao gồm Nhóm 22.09 – giấm) và Nhóm 20.09 (nước trái cây) trong Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (hệ thống HS).

Như vậy, các sản phẩm như sữa, trà, cà phê, cacao hay nông sản chuyên làm đồ uống khác (dù ở dạng thô hay đã chế biến thành dạng bột hòa tan, túi lọc... ngoại trừ các trường hợp pha chế để tạo thành các sản phẩm thuộc Chương 22 hoặc nhóm 20.09) sẽ không được đề cập.

Đối với các sản phẩm đồ uống như được giới hạn ở trên, cam kết quan trọng nhất trong các FTA là cam kết của mỗi nước Thành viên về thuế quan áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ nước Thành viên khác.

Trong CPTPP cũng như vậy, cam kết về thuế nhập khẩu là cam kết đáng chú ý nhất. 

Cam kết về thuế quan trong CPTPP được nêu tại lời văn của Chương 2 - Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa; các Phụ lục của Chương 2 – Lộ trình cắt giảm thuế quan của mỗi nước thành viên CPTPP (mỗi nước có một hoặc các Biểu cam kết riêng).

Về mức cam kết, trong CPTPP, một số nước Thành viên CPTPP đưa ra mức cam kết mở cửa mạnh, trong khi một số nước khác lại có cam kết cắt giảm thuế quan tương đối dè dặt (đặc biệt là Nhật Bản, Malaysia, Peru và Việt Nam). 

Đồ họa: TV

Đồ họa: TV

Trong tổng thể, các cam kết thuế quan của các nước được phân theo ba nhóm:

- Xóa bỏ thuế quan ngay khi CPTPP có hiệu lực;

- Xóa bỏ thuế quan theo lộ trình từ 3 - 16 năm tùy sản phẩm, tùy đối tác;

- Áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số ít sản phẩm.

Ý nghĩa của cam kết về thuế quan đối với hàng nhập khẩu

Tương tự như bất kỳ FTA nào, cam kết về thuế quan trong CPTPP là cam kết của nước Thành viên về mức thuế nhập khẩu tối đa mà nước đó sẽ áp dụng cho từng loại hàng hóa nhập khẩu từ một nước Thành viên khác trong CPTPP.

Như vậy, nước thành viên CPTPP sẽ không thể áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước thành viên CPTPP khác mức thuế nhập khẩu cao hơn mức đã cam kết, theo lộ trình cam kết. 

Tuy nhiên, nước thành viên CPTPP hoàn toàn có thể đơn phương hạ thuế quan xuống mức thấp hơn mức cam kết hoặc cắt giảm, loại bỏ thuế quan sớm hơn lộ trình cam kết.

Do đó, mức thuế áp dụng trên thực tế có thể bằng hoặc thấp hơn mức thuế cam kết, doanh nghiệp chỉ tham khảo mức cam kết trong CPTPP để biết mức thuế cao nhất có thể bị áp dụng, còn mức thuế thực tế áp dụng sẽ căn cứ vào Biểu thuế xuất nhập khẩu theo pháp luật nội địa của từng nước.