|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Còn nhiều thách thức trong nhập khẩu giấy phế liệu

11:46 | 17/10/2018
Chia sẻ
Hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên liệu này vẫn còn gặp nhiều thách thức về mặt quản lý, đặt ra bài toán được - mất giữa sản xuất và môi trường.
con nhieu thach thuc trong nhap khau giay phe lieu Hiệp hội Giấy và Bột giấy: Tổng cục Hải quan ban hành 2 văn bản làm khó doanh nghiệp

Nhu cầu giấy trong nước được dự báo tăng 8 - 10%

Tại Hội thảo Giải pháp chính sách hướng tới phát triển bền vững ngày 16/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhu cầu giấy của Việt Nam trong thời gian tới có mức tăng trưởng từ 8 - 10%/năm. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và cho sản xuất.

con nhieu thach thuc trong nhap khau giay phe lieu
Hội thảo Giải pháp chính sách hướng tới phát triển bền vững

Riêng đối với giấy bao bì, nhu cầu mặt hàng này có mức tăng trưởng rất lớn, vì vậy việc tăng năng lực sản xuất đối với giấy bao bì còn nhiều tiềm năng để phát triển. Với nhu cầu lớn đáng kể và vai trò đa dạng đối với kinh tế, sản xuất của ngành giấy dự kiến đóng góp khoảng khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 1 tỉ USD.

70% giấy của Việt Nam sản xuất từ giấy phế liệu

Theo VCCI, hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước. Theo ước tính sơ bộ, tỉ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40% trước khi đưa vào phân loại và xử lí.

Ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ Bộ Công Thương chia sẻ: “70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu.

Đối với các doanh nghiệp tái chế giấy chuyên nghiệp, có năng lực tái chế tốt như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ rất cần nguồn nguyên liệu giấy và rõ ràng nhập khẩu là một giải pháp bắt buộc trong bối cảnh trong nước không đủ nguyên liệu sản xuất”.

Thách thức trong quản lí nhập khẩu giấy phế liệu

Mặc dù có vai trò trọng yếu trong việc phát triển công nghiệp, tại Việt Nam, quản lí việc nhập khẩu nguyên liệu này vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặt ra bài toán được - mất giữa sản xuất và môi trường.

Trao đổi tại hội thảo về dự thảo sửa đổi quiết định 73 qui định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, đa phần ý kiến đều ghi nhận việc siết chặt quản lí phế liệu này là cần thiết khi có một số doanh nghiệp đã lợi dụng những kẽ hở trong quản lí nhập khẩu phế liệu cho sản xuất để nhập “rác” vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, một số nhóm phế liệu giấy như giấy hỗn hợp vẫn là nguyên liệu sản xuất quan trọng của các ngành công nghiệp tái chế nhưng có khả năng bị đưa ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu trong tương lai gần, dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Đình Thưởng, chuyên gia phân tích chính sách nhận định: “Nếu loại bỏ nguồn nguyên liệu tái chế này chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp giấy lao đao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành giấy."

Mặt khác, ông Thưởng cho rằng việc Chính phủ siết chặt quản lí đột ngột khiến doanh nghiệp lâm vào thế bị động. Nhà máy cần vận hành hằng ngày nhưng nguyên liệu cần lại không thể đến khiến hoạt động sản xuất đình trệ. Việc này cũng sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đến một chuỗi các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp bao bì, ngành công nghiệp xuất khẩu.

Ông Dũng nhận định: “Có thể nói, bất cứ doanh nghiệp giấy nào khi sử dụng phế liệu hay nguồn nguyên liệu nào khác, nhập khẩu hay thu mua trong nước để sản xuất đều có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp quản lí tốt".

Ông Dũng cho rằng lo ngại nhập khẩu phế liệu sẽ biến Việt Nam thành bãi rác chỉ đúng khi nguyên liệu này không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào. Khi đã là nguyên liệu sản xuất quan trọng, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì cần cẩn trọng xem xét.

“Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lí nhập khẩu giấy phế liệu của các nước khác, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu trong nước để đưa ra chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đưa ra kiến nghị về việc sử dụng các công cụ khác như phân luồng vi phạm theo mức độ, xác suất sai phạm qua kiểm định của các doanh nghiệp chứ không đánh đồng tất cả như một.

Bên cạnh đó, các đại biểu khuyến nghị tiến hành rà soát, chỉnh sửa tiêu chuẩn giấy tái chế đang nhập khẩu vào Việt Nam để giấy tái chế được quản lí và cân nhắc như tiêu chuẩn một nguồn nguyên liệu sản xuất. Đồng thời thay đổi tên nguyên liệu giấy từ “phế liệu giấy” thành “giấy thu hồi sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất”.

Xem thêm

Đức Quỳnh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.