Ai mua vốn tại dự án Palm City từ Keppel Land?


Hiện trạng dự án Palm City do công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (liên doanh giữa CTCP Bất động sản Tiến Phước - Keppel Land - Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái) làm chủ đầu tư. (Ảnh: Hải Quân).
Keppel Land bán vốn và trái phiếu Nam Rạch Chiếc
Trong thông báo được công bố vào ngày 1/4, nhóm Keppel đã thoái hết 42% vốn tại Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc với giá 141,4 triệu SGD, tương đương 2.612 tỷ đồng. Bên mua lại là CTCP Gateway Thủ Thiêm.
Ngoài 42% vốn tại Nam Rạch Chiếc, Keppel đã chuyển nhượng 840.000 trái phiếu của Nam Rạch Chiếc phát hành cho Gateway Thủ Thiêm với giá trị 910 tỷ đồng. Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Nam Rạch Chiếc còn lưu hành 2 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng, đáo hạn vào đầu năm 2026.


(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).
Nam Rạch Chiếc là liên doanh giữa CTCP Bất động sản Tiến Phước - Keppel Land - Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái vào năm 2008 để phát triển dự án Palm City - khu đô thị phức hợp rộng 30 ha nằm dọc theo bờ sông Giồng Ông Tố và Mương Kinh thuộc TP Thủ Đức (quận 2 cũ), TP HCM. Đây là dự án đối ứng thuộc dự án BT Khu tái định cư An Phú - Bình Khánh gồm 1.844 căn hộ thuộc Khu tái định cư Thủ Thiêm.

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).
Hai giai đoạn đầu tiên của dự án Palm City có tên thương mại là Palm Residence và Palm Heights đã hoàn thành và bàn giao lần lượt vào năm 2017 và 2019. Hiện dự án còn lại 4 lô đất, bao gồm hai lô đất nhà ở, một lô đất hỗn hợp và một lô đất y tế.
Trong những năm qua, Keppel đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế khoảng 24,6 triệu SGD từ việc bán các căn hộ tại Palm City trước khi thoái vốn. Việc thoái vốn mang lại khoản lãi 55 triệu SGD, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng cho Keppel và thương vụ đã được hoàn tất trong tháng 3.
Ông Louis Lim, Tổng Giám đốc điều hành Keppel Land, cho biết: “Việc thoái vốn khỏi Palm City là một bước tiến nữa trong kế hoạch đầy tham vọng của Keppel nhằm tiến đến quy mô tổng tài sản trị giá 10-12 tỷ SGD đến cuối năm 2026”.
Song song với việc rút khỏi Palm City, nhóm Keppel đang thực hiện kế hoạch rút khỏi hai khoản đầu tư bất động sản khác tại Việt Nam, bao gồm 70% vốn tại dự án Saigon Sports City và 16% vốn tại dự án Saigon Centre - giai đoạn 3.
Cổ đông mới đã xuất hiện trong hồ sơ đăng ký kinh doanh
Vào ngày 4/3, thông tin đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc đã được cập nhật công ty có 100% vốn điều lệ (627 tỷ đồng) là nguồn vốn tư nhân trong nước. CTCP Gateway Thủ Thiêm là cổ đông mới với tỷ lệ sở hữu 42%.
Phần vốn góp còn lại thuộc sở hữu của các tổ chức: Công ty TNHH The Cielo Gragon (38%), CTCP Bất động sản CHD (18%) và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái (2%). Các cá nhân được ủy quyền đại diện số vốn góp này gồm ông Đào Duy Hải, Phạm Trọng Thủy, Vũ Hồng Hà, Phạm Thị Xuân Mỹ.
Thay đổi cổ đông tại Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

(Nguồn: VIS).
Vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Nam Rạch Chiếc cũng được chuyển giao cho ông Đào Duy Hải, thay bà Lê Thị Minh Tâm.
Ông Đào Duy Hải hiện là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Gateway Thủ Thiêm; Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS, Mã: VISE) và Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Hướng Việt. Trong đó, Hướng Việt là cổ đông lớn sở hữu 85,39% vốn tại Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (tính đến tháng 2/2025).
Ngoài ông Hải, HĐQTcủa Gateway Thủ Thiêm còn có ông Võ Quang Long là thành viên. Hiện ông Long là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Quốc tế Việt Nam.
Trước ông Đào Duy Hải, bà Cao Thị Quế Anh là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Gateway Thủ Thiêm. Bà cũng là cựu Chủ tịch HĐQT, Thành viên Hội đồng đầu tư, Thành viên HĐQT Chứng khoán Quốc tế Việt Nam.
Ngoài ra, bà Quế Anh còn được biết đến trong vai trò là vợ ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).