Doanh nghiệp bao bì đón cơ hội tăng trưởng
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, sự phát triển của ngành hàng thực phẩm là yếu tố chính tác động đến ngành bao bì tại Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng hằng năm của ngành bao bì đang đạt ở mức cao, từ 15 - 20%/năm.
Khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng, nhiều chuỗi siêu thị nổi tiếng trong khu vực như Lotte, Aeon… cũng đã xuất hiện tại Việt Nam.
Ngoài ra, ngành thương mại điện tử mấy năm trở lại đây cũng phát triển như vũ bão. Tất cả những yếu tố trên cộng hưởng lại khiến nhà đầu tư chú trọng vào xưởng sản xuất bao bì ở Việt Nam. Nhiều công ty nước ngoài đã quyết định chọn Việt Nam làm thị trường mở rộng phát triển ngành sản xuất bao bì.
Cùng quan điểm, Công ty cổ phần MP Pack, thành viên của Tập đoàn Tân Thành Đồng – doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong ngành sản xuất bao bì tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài nhận ra tiềm năng và cơ hội trong lĩnh vực bao bì nên đã đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể như Tetra Park, một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì lớn nhất thế giới đã xây dựng nhà máy tại tỉnh Bình Dương với công suất lên tới 20 tỷ hộp giấy/năm.
Với chi phí lao động tương đối thấp, nhu cầu trong nước tăng cao trong khi chỉ có ít công ty nội địa đủ khả năng đầu tư công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất bao bì vì chi phí đầu tư khá cao, các công ty nước ngoài với ưu thế vượt trội có nhiều cơ hội đầu tư dài hạn tại Việt Nam trong lĩnh vực bao bì.
Dưới góc nhìn của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), do tiềm năng tăng trưởng lớn, nhưng mức độ tập trung ngành lại phân tán, chưa có doanh nghiệp có quy mô lớn về thị phần dẫn đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục thâu tóm doanh nghiệp trong nước nhờ nguồn lực tài chính mạnh.
Có thể kể các đến các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp bao bì nội địa của Tập đoàn SCG (Thái Lan).
Đại gia Thái Lan này đã không "tiếc tiền" khi chi hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu những công ty bao bì lớn của Việt Nam như: Công ty Giấy Kraft Vina (nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam), Công ty Bao bì AP, Công ty Sản xuất Bao bì Alcamax, Công ty Packamex, Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Sản xuất nhựa Duy Tân, Công ty Bao bì Biên Hòa, Công ty Bao bì nhựa Tín Thành…
VCBS cho biết, các doanh nghiệp Thái Lan và Nhật Bản là hai quốc gia đầu tư nhiều vào thị trường bao bì Việt Nam.
Bên các doanh nghiệp Việt bị thâu tóm, với những điều kiện thuận lợi của ngành, nhiều doanh nghiệp bao bì nội địa khác cũng đang nắm bắt cơ hội tăng trưởng bằng việc mở thêm nhà máy và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Điển hình như Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã chứng khoán: DHC) đã mạnh tay đầu tư vào các dự án mới.
Theo đó, công ty có kế hoạch đầu tư 75 tỷ đồng vào máy móc thiết bị và xây dựng cơ bản cho nhà máy giấy Giao Long và đầu tư 2,3 tỷ đồng cho nhà máy bao bì. Nhà máy Giao Long PM2 đã đi vào hoạt động ổn định, giúp tăng sản lượng giấy của công ty.
Công ty cũng dự kiến đầu tư Công ty cổ phần Bao Bì Đông Hải với tổng vốn đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024 công ty bao bì này sẽ đi vào hoạt động chính thức sau 2,5 năm xây dựng từ quý III/2021.
Theo số liệu cập nhật mới nhất, trong nửa đầu năm 2021, Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre đạt doanh thu thuần hơn 2.097 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt trên 301 tỷ đồng, lần lượt tăng 59% và 78% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước diễn biến tích cực của thị trường bao bì, Công ty cổ phần Thuận Đức (mã chứng khoán: TDP) cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh. Mới đây, Hội đồng quản trị doanh nghiệp đã ban hành nghị quyết về việc đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất túi siêu thị xuất khẩu.
Theo đó, công ty sẽ có thêm một nhà máy sản xuất vải PP không dệt, 4 nhà máy in ống đồng điện tử loại 9 màu tự động và các thiết bị phụ trợ cần thiết để sản xuất bao bì PP. Tổng vốn đầu tư của dự án này là hơn 150 tỷ đồng.
Công ty sẽ mở rộng thêm 3 - 5 nhà máy phục vụ hoạt động xuất khẩu, hướng đến mục tiêu đạt doanh thu 7.000 tỷ đồng vào năm 2025.
Theo Báo cáo tài chính quý II/2021 vừa được công bố, Công ty cổ phần Thuận Đức có doanh thu thuần đạt 717 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt 28 tỷ đồng, cũng tăng hơn 2 lần so với quý II/2020.
Phía doanh nghiệp cho biết trong quý II/2021, thị trường kinh doanh nội địa ổn định tăng trưởng doanh thu cao, doanh số bán hàng bao bì nội địa thức ăn chăn nuôi và nông sản tăng trưởng cùng với bán hạt nhựa; thị trường xuất khẩu túi siêu thị shopping bag có sự hồi phục khá tích cực so với cùng kỳ với mức tăng trưởng 50%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Thuận Đức đạt 1.184 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 58 tỷ đồng, lần lượt tăng 97% và 107% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng là một doanh nghiệp của Việt Nam, Công ty cổ phần An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA) đang triển khai kế hoạch mở rộng công suất sản xuất bao bì, đặc biệt là bao bì tự hủy sinh học.
Công ty cho biết sẽ đẩy mạnh thị trường xuất khẩu; trong đó, chú trọng các thị trường lớn như châu Âu, Australia, Nhật Bản, Mỹ. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục phát triển các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường tại thị trường nội địa.
Lũy kế nửa đầu năm 2021, doanh thu của công ty đạt 5.548 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 182 tỷ đồng, lần lượt tăng 64% và 33% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp cho biết, doanh thu bao bì tăng nhờ giá hạt nhựa tăng và có sự đóng góp không nhỏ từ mảng bao bì công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay (không bao gồm mảng bất động sản công nghiệp) đạt khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy có thể thấy, cơ hội cho doanh nghiệp ngành bao bì là rất rộng mở. Theo quan điểm của Công ty TNHH Đầu tư Ứng dụng sản xuất Bao bì Việt, sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm tiếp tục là cơ hội lớn cho ngành bao bì phát triển. Tuy nhiên, ngành sản xuất bao bì Việt Nam cần đổi mới hơn nữa, đặc biệt là về công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường, đủ sức tham gia "chặng đua" chuỗi cung ứng toàn cầu.