|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đứng đầu về xuất khẩu gỗ dăm nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 100% bột giấy, đâu là lời giải cho doanh nghiệp giấy?

16:36 | 06/04/2023
Chia sẻ
Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho biết mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 15 triệu tấn dăm gỗ, nhưng phải nhập khẩu 100% bột giấy bởi chúng ta chưa quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất giấy, mức độ rủi ro cao nên các nhà đầu tư chưa mặn mà.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng gần 55% so với năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm 17% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 5 điểm % so với năm 2021.

Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (người thứ hai, trái sang phải). (Ảnh: Hoàng Anh)

Tại tọa đàm “Kết nối giá trị hướng đến phát triển bền vững – Cơ hội và thách thức đối với ngành sơn, giấy, cao su, nhựa”, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết Việt Nam là nước xuất khẩu dăm gỗ hàng đầu thế giới, khoảng 15 triệu tấn/năm nhưng lại chưa có nhà máy sản xuất bột giấy quy mô lớn, phải gần như 100% nguyên liệu này phải nhập khẩu với lượng trung bình khoảng 500.000 tấn mỗi năm.

Theo ông Đặng Văn Sơn, giá dăm gỗ xuất khẩu năm 2022 tăng mạnh nhưng cũng chỉ quanh mức 200 USD/tấn, trong khi đó bột giấy nhập khẩu lại có giá lên tới 700 USD/tấn. Điều này cho thấy nếu doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bột giấy, lợi nhuận sẽ rất cao, đặc biệt khi tận dụng được nguồn dăm gỗ giá rẻ nội địa.

Cơ hội và tiềm năng là thế nhưng thực tế chưa nhiều doanh nghiệp đầu tư vào mảng này bởi việc tiếp cận vùng nguyên liệu không phải điều dễ dàng.

Theo đó, vùng nguyên liệu dăm gỗ (keo, bạch đàn) của Việt Nam nằm rải rác trên cả nước, muốn xây dựng nhà máy bột giấy cần có vùng nguyên liệu đủ lớn. Việc thu gom từ những vùng nhỏ lẻ, thậm chí khó tiếp cận với nguyên liệu khiến các doanh nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư.

“Việc đầu tư cho một nhà máy giấy cần khoảng 300 triệu USD đến 1 tỷ USD, vốn bỏ ra lớn, trong khi thời gian thu hồi dài, ai dám bỏ từng ấy tiền để đi ăn đong từng đồng nguyên liệu cho sản xuất”, Phó Chủ tịch VPPA nói.

Không chỉ nhập khẩu bột giấy, năm 2022 Việt Nam còn nhập khẩu gần 3 triệu tấn giấy thu hồi (RCP), dự kiến năm 2025 lên tới 5-7 triệu tấn, trong khi nguồn cung ngày càng thu hẹp do xu hướng tái chế tại chỗ và các tập đoàn lớn đang nỗ lực kiểm soát nguồn cung.

Ông Đặng Văn Sơn cho rằng so với các nước khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, ngành giấy của Việt Nam vẫn đi sau và có nhiều khó khăn bởi chúng ta phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nước ngoài, trong khi trong nước có nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất.

“Chúng ta phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nguồn cung không ổn định, giá cao. Trong khi đó, giá bán của các sản phẩm không theo kịp, điều này khiến các doanh nghiệp giấy phải chịu lỗ.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm, các doanh nghiệp ngành giấy đang cố gắng duy trì 50-60% công suất, đủ chi trả lãi vay, chi phí sản xuất và lương cho công nhân…”, ông Sơn nói.

Ngoài việc sản xuất cầm chừng, doanh nghiệp giấy cũng gặp nhiều rào cản khi tiếp cận vốn bởi đây chưa phải là ngành được khuyến khích đầu tư. Doanh nghiệp khó vay ngân hàng vì hầu hết phải theo nguyên tắc thế chấp tài sản, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị hạn chế và kiểm soát chặt.

Phó Chủ tịch VPPA cho rằng kinh tế Việt Nam luôn hướng đến thặng dư thương mại, tuy nhiên ngành giấy lại liên tục nhập siêu trong nhiều năm qua.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022 Việt Nam chi gần 2,2 tỷ USD cho nhập khẩu giấy và nguyên liệu, trong khi chiều xuất khẩu chỉ đạt 1,9 tỷ USD. Như vậy ngành này đang nhập siêu khoảng 300 triệu USD.

Để phát triển ngành giấy, đảo chiều thành xuất siêu, ông Đặng Văn Sơn cho rằng cần quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, cơ chế chính sách thông thoáng mới có thể thu hút được các nhà đầu tư. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, sản xuất quy mô lớn hướng đến xuất khẩu, tăng thặng dư thương mại cho ngành.

Về nguyên liệu RCP, các doanh nghiệp cần phối hợp với các ngành nghề, các tổ chức xã hội có liên quan nhằm phát triển hệ thống thu gom chuyên nghiệp, hiệu quả, tăng cao tỷ lệ thu gom; đồng thời hợp tác giữa các doanh nghiệp để ổn định nguồn RCP nhập khẩu cả về số lượng và chất lượng.

Về phía các doanh nghiệp, đại diện VPPA khuyến nghị phát triển theo hướng công nghiệp tái tạo, kinh tế tuần hoàn, nhãn xanh để có lợi thế khi xuất khẩu trong bối cảnh toàn cầu hướng đến mục tiêu Net Zero, cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phấn đấu trở thành công ty đại chúng để có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, tạo ra dòng vốn kinh doanh cho doanh nghiệp.

Hoàng Anh