Ngành thép Việt Nam có thể chịu áp lực trước làn sóng xuất khẩu của Trung Quốc
Dư thừa nguồn cung trong nước, Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu thép
Trong những tháng đầu năm 2023, Trung Quốc có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu thép giữa bối cảnh nhu cầu nội địa vẫn duy trì ở mức thấp dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại sau dịch COVID-19.
Theo số liệu chúng tôi tổng hợp từ Hải quan Trung Quốc xuất khẩu thép của nước này trong tháng 2 tăng mạnh 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là ngưỡng cao nhất kể từ năm 2017. Tính chung hai tháng đầu năm nay, lượng thép xuất khẩu tăng 49% so với cùng kỳ lên 12,2 triệu tấn và là mức cao nhất trong cùng giai đoạn của năm 2018 - 2022.
Việt Nam là thị trường tiêu thụ thép lớn thứ 4 của Trung Quốc (sau Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan) với tỷ trọng 6,5%, giảm gần 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu thép của Trung Quốc sang những thị trường tiêu thụ top đầu cũng tăng mạnh. Cụ thể, Trung Quốc thu về gần 1,3 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu thép sang thị trường Philippines, tăng gấp đôi so với 2 tháng đầu năm 2022.
Hay với thị trường Hàn Quốc và Thái Lan, mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trên 50% trong khoảng thời gian này.
Mặt khác, Trung Quốc nhập khẩu 0,6 triệu tấn thép trong tháng 2, giảm sâu gần 34%. Tính chung 2 tháng, lượng thép nhập khẩu giảm 40% so với cùng giai đoạn của năm 2017 - 2022 xuống 1,23 triệu tấn do nhu cầu nội địa yếu.
Tại hội thảo trực tuyến Triển vọng ngành thép Việt Nam và Trung Quốc diễn ra hồi giữa tháng 3, ông Luan Shorden, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SUMEC (Trung Quốc) dự báo trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc yếu dẫn đến xuất khẩu có xu hướng tăng và có thể vẫn tăng trong năm 2023.
Quý I/2023, lượng tồn kho phôi thép Đường Sơn đạt mức cao kỷ lục. Trong khi các nhà máy sản xuất có xu hướng tiếp tục sản xuất và có thể bán dưới giá thành để có tiền mặt (do khó khăn về tài chính) thì phôi thép đang được xuất khẩu trở lại trong năm nay.
Điều đó cũng đồng nghĩa có thể sẽ có ít cơ hội nhập khẩu phôi thép vào năm 2023, dòng phôi thép Đông Nam Á chảy nhiều hơn vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Xuất khẩu thép tiếp tục là một phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản lượng dư thừa ở Trung Quốc. Và thậm chí phôi thép còn được xuất khẩu nhiều hơn trong năm nay. Dự kiến xuất khẩu thép của nước này sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2023.
Ngành thép Việt Nam sẽ chịu sức ép lớn
Việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dấy lên lo ngại giá thép toàn cầu chịu áp lực, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Trao đổi bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoà Phát cho biết: "Trước đây, Việt Nam xuất khẩu nhiều thép sang Trung Quốc vì nhu cầu của họ lớn nhưng hiện tại nhu cầu chững lại, ngành bất động sản có vấn đề và họ quay lại xuất khẩu, gây sức ép với thị trường thép thế giới và Việt Nam xuất khẩu thép sang các thị trường trong đó có cả Trung Quốc sẽ khó hơn".
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, Việt Nam từng là nước xuất khẩu phôi lớn thứ 2 sang Trung Quốc giai đoạn 2020 - 2021 với tỷ trọng lần lượt là 20% và 17%, nhưng tỷ trọng đã giảm đáng kể vào năm 2022. Trong quý I/2023, giá phôi thép Việt Nam duy trì ở mức cao so với Trung Quốc nên việc cạnh tranh tại thị trường này càng khó khăn hơn.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) sản lượng thép thành phẩm trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,8 triệu tấn, giảm 23%, trong đó xuất khẩu sang các thị trường giảm 10,4% xuống 1 triệu tấn.
Với mặt hàng thép thô, lượng tiêu thụ trong hai tháng đầu năm đạt 3,1 triệu tấn giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu chỉ đạt 13% so với cùng kỳ, ở mức 312.000 tấn.
Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng cao, các tập đoàn đa quốc gia khai thác quặng khống chế giá, bất chấp nhu cầu cao.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát cho biết giá thành hiện tại ở mức trung bình cao.
"Thị trường vừa rồi cải thiện là do giá bán tăng. Nhịp quặng giảm rất ngắn lúc xuống 90 USD/tấn chưa được 1 tháng sau đó trên 121 USD/tấn. Giá than hiện cũng giao dịch khoảng 320 USD/tấn. Với giá bán hiện nay thì vẫn có lợi nhuận nhưng sẽ phụ thuộc vào xu hướng tiếp theo", ông Thắng nói.
Năm ngoái, trước tình hình thị trường khó khăn, Hoà Phát đã dừng 4 lò cao đồng thời thời giải quyết hàng tồn kho giá cao để "đảm bảo tính sống còn". Tính đến hiện tại, tập đoàn này đã khởi động trở lại một lò cao.
"Công suất sản xuất hiện tại của Hoà Phát trong tháng 3 đạt trên 400.000 tấn, tương đương khoảng 60% công suất thiết kế", ông Thắng nói.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm 2023, ông Trần Đình Long Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cho biết việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép thời gian qua sẽ là áp lực lớn và cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi.
"Trung Quốc chiếm tới trên một nửa sản lượng thép trên thế giới do đó sức ép của họ đối với xuất khẩu rất lớn. Ngoài ra, ở thị trường trong nước, những năm qua ngành thép phát triển, nhiều dự án thép mới cũng đang rục rịch triển khai do đó cạnh tranh trong nước cũng ngày một tăng. Tuy nhiên, Hoà Phát sẵn sàng cạnh tranh với thép các nước khác và cả các doanh nghiệp trong nước nhờ tiềm lực vững vàng và công tác điều hành sản xuất tốt", ông Long cho biết.
Triển vọng dài hạn vẫn sáng với mặt hàng thép thô
Theo ông Luan Shorden về dài hạn việc tăng chi phí sản xuất thép của Trung Quốc sẽ dẫn đến việc mất đi lợi thế giá cơ sở cho xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh yêu cầu bảo vệ môi trường phải hoàn thành trong thập kỷ tới.
Chi phí của tất cả các khía cạnh trong sản xuất thép của Trung Quốc đã tăng tốc trong những năm gần đây, bao gồm cả chi phí lao động và giá đất công nghiệp. Việc tăng chi phí bảo vệ môi trường sẽ là chủ đề của những thập kỷ tiếp theo.
Chính sách đất đai ít thuận lợi hơn cho sản xuất thép ở Trung Quốc, gần như không thể có thêm khả năng sản xuất thép thô mới.
Ngoài ra, 9 trong số 10 quốc gia sản xuất thép hàng đầu đã thực hiện các cam kết trung hòa carbon, Trung Quốc cũng vậy, xu hướng dài hạn là kiểm soát sản xuất, đặc biệt là đối với thép thô.
Nhu cầu thép thành phẩm tăng và có thể sản lượng thép thô không đủ dẫn đến việc tăng nhập khẩu phôi hoặc phế liệu.
Công suất thép mới ở Đông Nam Á và kế hoạch chuyển đổi sản xuất sang các khu vực có chi phí thấp sẽ tăng cường vai trò cung cấp thép thô cho khu vực, tạo khả năng nhập khẩu phôi thép dài hạn ở Trung Quốc, thậm chí đối với các sản phẩm thép dài thành phẩm.
"Việt Nam có thể xuất khẩu phôi thép liên tục và ổn định sang Đông Nam Á khi giá cả thuận lợi. Nguyên liệu phù hợp và việc vận chuyển nhanh hơn giúp phôi Việt Nam dễ dàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhập khẩu thép dẹt từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ trong vài năm tới, trong khi tiềm năng xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc ngày càng tăng",ông Luan Shorden nhận định.