|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá quặng sắt có thể giảm gần 30% trong năm nay do nhu cầu thép của Trung Quốc chậm lại

14:40 | 04/04/2023
Chia sẻ
Theo CNBC, các chuyên gia dự báo giá quặng sắt có thể giảm tới 28% vào cuối năm 2023 do nhu cầu và sản lượng thép của Trung Quốc sẽ giảm.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết giá quặng sắt sẽ giảm và do sản lượng thép Trung Quốc đi xuống, đồng thời nước này cũng chuyển sang sử dụng thép phế liệu.

“Chúng tôi cho rằng giá quặng sắt loại 62%Fe trong nửa sau năm 2023 có thể giao dịch quanh mức 90 USD/tấn” chuyên gia lĩnh vực hàng hoá Marius van Straaten cùng cộng sự nhận định trong một báo cáo mới đây. 

Con số này thấp hơn khoảng 28% so với mức 126 USD/tấn ở thời điểm hiện tại. 

 Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Quặng sắt chủ yếu được sử dụng để sản xuất thép, một vật liệu quan trọng trong các dự án xây dựng và kỹ thuật. Cả hai mục đích này đang được các quốc gia châu Á đẩy mạnh. 

Các nhà phân tích của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia tuần trước cũng dự đoán giá quặng sắt sẽ giảm xuống 100 USD/tấn vào quý IV năm nay do nhu cầu thép của Trung Quốc giảm trong nửa cuối năm.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng vẫn có khả năng giá quặng sắt trong những tháng tới nhờ việc Trung Quốc mở cửa kinh tế sau thời gian dài áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, họ không mong đợi sự phục hồi mạnh trong sản xuất và tăng trưởng nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ kéo dài quá nửa cuối năm nay.

Nhu cầu bắt đầu chững lại

Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia dự đoán nhu cầu thép bị dồn nén của Trung Quốc có khả năng giảm dần trong nửa cuối năm nay.

Trung Quốc, quốc gia chiếm 70% lượng quặng sắt nhập khẩu của thế giới, đặt ​​mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023.

Các kế hoạch tập trung mua quặng sắt ở Trung Quốc dưới sự điều hành của Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc (CMRG) cũng có thể góp phần làm giảm giá trong thời gian dài. CMRG được thành lập để mua nguyên liệu thô cho ngành thép của Trung Quốc.

“Nếu CMRG có thể phát huy sức mạnh thị trường của Trung Quốc đối với các nhà khai thác quặng sắt, thì điều đó có nghĩa là giá sẽ thấp hơn trong dài hạn,” Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định.

Fitch Solutions dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ chậm lại trong thập kỷ tới do chủ trương “tái cân bằng nền kinh tế, giảm bớt phụ thuộc vào ngành công nghiệp nặng và hướng tới lĩnh vực dịch vụ ” sau sự suy thoái của thị trường bất động sản.

“Nhu cầu thép sẽ tăng trưởng mạnh hơn ở Ấn Độ, Mỹ và các thị trường mới nổi nói chung, tuy nhiên khó có thể bù đắp được tác động của sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc,” Fitch Solutions nhận định.

Khuyến khích sử dụng thép phế liệu

Nhu cầu quặng sắt cũng đang đối diện với thách thức trước tham vọng của Trung Quốc trong việc tăng tiêu thụ thép phế liệu, một nguyên liệu thay thế được sử dụng trong sản xuất thép.

Đầu tháng 3, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc thông báo rằng nước này có thể sử dụng khoảng 265 triệu tấn thép phế liệu trong năm nay, đánh dấu tỷ trọng tăng lên mức 25% so với 19% của năm ngoái.

Morgan Stanley ước tính rằng Trung Quốc cứ tăng 1% trong sử dụng phế liệu, thì tiêu thụ quặng sắt của nước này sẽ giảm khoảng 17 tấn mỗi năm.

Sản xuất thép giảm

Sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 2 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ hai liên tiếp trong năm ghi nhận giảm.

Sự sụt giảm được thúc đẩy bởi sản lượng giảm giữa các nhà sản xuất thép lớn của thế giới.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới , các nhà sản xuất hàng đầu như Nhật Bản, Mỹ và Nga đã cắt giảm sản lượng lần lượt là 5,3%, 5,3% và 8,6%.

Mặc dù dữ liệu cho thấy sản lượng thép thô trong tháng 2 không giảm mạnh như mức giảm 3,3% trong tháng 1, Fitch dự đoán tình hình sản xuất vẫn còn hạn chế trong suốt cả năm do các công ty sản xuất thép lớn vẫn phải vật lộn với chi phí đầu vào cao.

Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, được cho là đang tìm cách cắt giảm sản lượng vào năm 2023, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp nước này hạn chế sản xuất. 

H.Mĩ