Kim ngạch xuất khẩu lao dốc, nhiều hàng hóa chủ lực đồng loạt tăng trưởng âm
Kinh tế thế giới ảm đạm khiến thương mại hàng hóa heo hút
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 58,5 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,5 tỷ USD, giảm 13% so với tháng 3/2022; nhập khẩu đạt 28,9 tỷ USD, giảm 11%.
Tính chung quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 79,1 tỷ USD, giảm 12%; nhập khẩu đạt 75,1 tỷ USD, giảm 15%.
Trong cơn bão lạm phát toàn cầu, thương mại với những thị trường trọng điểm của Việt Nam cũng lao dốc. Theo đó trong quý I/2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 18% so với quý I/2022. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD, giảm 15%.
Cùng thời điểm, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 10%.
Tổng cục Thống kê lý giải rằng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, lạm phát gia tăng, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn.
Chỉ có 17% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đơn đặt hàng xuất khẩu quý I năm 2023 cao hơn quý IV năm 2022 trong khi 40% doanh nghiệp ghi nhận đơn đặt hàng giảm.
Chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện "Tái định vị doanh nghiệp để phát triển nhanh và bền vững", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết đơn hàng quý II của doanh nghiệp này giảm 20-30%, quý III vẫn chưa nhận được thông tin đặt hàng của khách.
Ông Việt cho rằng dù doanh nghiệp này đã có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu nhưng ở thời điểm khó khăn này, May 10 muốn tồn tại sẽ phải đánh giá và rà soát lại, định vị về sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Đà giảm của thương mại quốc tế có thể sẽ chưa hạ nhiệt khi nhiều tổ chức dự báo rằng kinh tế thế giới năm nay sẽ không mấy khả quan.
Điển hình như dự báo công bố hồi tháng 1/2023 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 đều giảm so với 2022 và giảm sâu so với 2021.
Riêng tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro (EU) dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,7% năm 2023; Mỹ giảm còn 1,4%; 5 nước ASEAN khoảng 4,3%, trừ Trung Quốc có mức tăng trưởng khả quan từ 3% năm 2022 lên 5,2% năm 2023.
Tương tự, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng dự báo tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường lớn sẽ giảm. Điển hình như khu vực Bắc Mỹ năm 2023 dự kiến chỉ tăng 0,8% so với mức tăng 8,5% năm 2022 và 12,3% năm 2021; EU thậm chí là -0,7%, trong khi 2022 tăng 5,4% và 2021 tăng 8,3%.
Tại một hội nghị gần đây, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, đặc biệt khi căng thẳng Nga – Ukraine chưa hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính ở một số nền kinh tế như Mỹ, Thụy Sỹ… đã có những xáo trộn không nhỏ từ những vụ khủng hoảng ngân hàng Silvergate Bank, Silicon Valley Bank, Signature Bank, Credit Suisse…
“Nhu cầu trong nước và thế giới bị ảnh hưởng do lạm phát có thể gia tăng và thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động lớn trong năm 2023. Điều này sẽ đặt ra khó khăn không nhỏ đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng”, bà Hồng Minh nói.
Nhiều ngành hàng mũi nhọn tăng trưởng âm
Trong bối cảnh lạm phát, thu nhập giảm, người tiêu dùng trên toàn cầu phải thắt chặt chi tiêu, họ ưu tiên chọn thực phẩm giá rẻ và “khóa” hầu bao với những mặt hàng không thiết yếu. Điều này cũng được phản ánh qua bức tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trao đổi với người viết, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, người tiêu dùng khó khăn dẫn tới thắt chặt chi tiêu, lượng hàng tồn kho lớn ở nhiều thị trường từ đợt mua cấp tập hồi cuối dịch COVID-19. Mặt khác, việc Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại khiến nguồn cung hàng hóa có thể tăng lên… cũng là dấu hiệu không thuận cho xuất khẩu Việt Nam năm 2023.
Bản thân nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong một số ngành hàng tiêu dùng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… đã bắt đầu thiếu vắng các đơn hàng từ cuối năm 2022 và kéo dài cho đến thời điểm hiện tại.
Thực tế kết thúc quý I/2023, Việt Nam vẫn ghi nhận mức thặng dư thương mại 4 tỷ USD, nguyên nhân chủ yếu là kim ngạch nhập khẩu giảm tới 15% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia của ngân hàng HSBC cho rằng xuất siêu đã chưa chắc là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh hiện nay bởi kim ngạch nhập khẩu sụt giảm chủ yếu là linh kiện điện tử, máy móc... những nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta với đầu tàu là các FDI lớn.
"Kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm điện tử giảm báo hiệu sản xuất các sản phẩm công nghệ sẽ còn tiếp tục lao dốc, xét bối cảnh triển vọng nhu cầu ngành công nghiệp điện tử toàn cầu vẫn còn yếu ít nhất là trong suốt nửa đầu năm 2023", HSBC dự báo.
Doanh nghiệp cần vững tay chèo trước cơn bão lạm phát
Năm 2023, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 393-394 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022. Kết thúc quý I/2023, chúng ta mới hoàn thành 20% chỉ tiêu, điều này có nghĩa áp lực cho những quý tiếp theo chắc chắn sẽ nhiều hơn.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: "Không phải cứ dự báo khó là xuất khẩu Việt Nam sẽ chùn bước. Còn nhớ trong giai đoạn COVID-19 khó khăn như vậy, xuất khẩu Việt Nam vẫn vượt được qua khe cửa hẹp, tăng 7% năm 2020 và 19% năm 2021”.
Bà Trang khuyến cáo các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm thị trường, linh hoạt chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với tình hình (đơn nhỏ, giao nhanh), tìm cách khai thác thị trường 100 triệu dân nội địa… để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
Khảo sát của Tổng Cục Thống kê cho thấy tâm lý của doanh nghiệp trong quý II có vẻ bớt bi quan quan hơn quý I. Theo đó, số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng đơn đặt hàng quý II tăng lên chiếm 33,5% (con số quý I là 17%). Trong khi đó, 23% doanh nghiệp cho rằng đơn hàng sẽ giảm (quý I là 40%).
Có thể nói, duy trì sản xuất và thích ứng với hoàn cảnh là những giải pháp được nhiều chủ doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lựa chọn, lèo lái công ty và người lao động qua cơn bão lạm phát.
Với May 10, ông Việt cho biết định hướng của công ty trong thời gian tới là tính toán việc sản xuất ra sản phẩm nào để đáp ứng nhu cầu, túi tiền của khách hàng. Với xuất khẩu, May 10 tìm kiếm thị trường mới như Nam Phi, Trung Quốc…
Còn với một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm như CTCP Thực phẩm Sao Ta, công ty này lựa chọn giảm thị phần ở Mỹ và tăng thị phần ở Nhật Bản, tập trung cung ứng hàng chế biến sâu cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Ngoài ra, Sao Ta cũng tập trung vào việc cải thiện giá thành sản phẩm thông qua việc xem xét lại các chi phí, định mức; cơ giới hóa, tự động hóa một số khâu trong dây chuyền chế biến; tinh giản bộ máy…