|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu lo đơn hàng giảm sau vụ sụp đổ của các ngân hàng quốc tế

07:28 | 23/03/2023
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp tỏ ra lo ngại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đi xuống nghiêm trọng, lạm phát cao, vốn dĩ các đơn hàng nhập khẩu tôm đã sụt giảm mạnh, nay thêm tâm lý lo lắng lại càng khiến đơn hàng được ký chậm hơn.

Doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc khủng hoảng ngân hàng

Chỉ trong 11 ngày giữa tháng 3/2023, ba ngân hàng của Mỹ và Credit Suisse tại châu Âu lần lượt sụp đổ đã đẩy thị trường tài chính quốc tế vào hỗn loạn.

Bình luận về ảnh hưởng của những vụ sụp đổ này đến Việt Nam, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới.

“Nếu vụ việc này khiến những khách hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đi vào tình trạng khó khăn hơn thì cầu của họ suy giảm và ảnh hưởng đến đơn hàng và đến khối FDI trong nước và khối trong nước hoạt động thương mại xuất nhập khẩu", ông Trần Thăng Long nhận định.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vốn đã giảm mạnh, nhiều lo ngại rằng những vụ ngân hàng quốc tế sụp đổ sẽ khiến doanh nghiệp đã khó chồng khó.

Trao đổi với người viết, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch CTCP Thủy sản Thuận Phước cho biết khủng hoảng ở các ngân hàng quốc tế không ảnh trực tiếp đến các đối tác của thủy sản Thuận Phước vì họ không mở các tài khoản giao dịch tại các ngân hàng này. Mặt khác, ba ngân hàng của Mỹ có quy mô nhỏ, lượng giao dịch quốc tế không nhiều nên mức độ ảnh hưởng cũng ít.

Tuy nhiên, ông Lĩnh cho rằng chỉ trong 11 ngày có tới 4 ngân hàng sụp đổ đã tạo ra tâm lý lo sợ cho các đối tác nhập khẩu, tất cả mọi giao dịch đều chững lại, trong đó có việc ký kết các đơn hàng mới.

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đi xuống nghiêm trọng, lạm phát cao, vốn dĩ các đơn hàng nhập khẩu tôm đã sụt giảm mạnh, nay thêm tâm lý lo lắng lại càng khiến đơn hàng được ký chậm hơn.

Cho đến thời điểm này, không ai có thể biết được khi nào căng thẳng Nga – Ukraine sẽ kết thúc, tất cả dự định mua hàng, bán hàng, dự trữ của đối tác đều khá mông lung. Họ chỉ ký các đơn hàng cho tiêu dùng tức thời, còn các hợp đồng dài hạn thì không có nhiều”, ông Lĩnh nói.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định môi trường kinh doanh năm 2023 được cho là không thuận lợi khi nền kinh tế đi xuống và căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc. Ngoài ra, những biến động tại ngân hàng SVB hay Credit Suise thời gian quan đã ảnh hưởng dây chuyền hệ thống thanh toán quốc tế và khả năng tài chính, tín dụng của các công ty mua hàng. 

“Hiện vẫn chưa thấy rõ tác động đối với ngành tiêu bởi sẽ mất thời gian để “ngấm”. Nhưng về lâu dài nếu không ngăn chặn được sự sụp đổ domino của hệ thống ngân hàng quốc tế, tôi cho rằng ảnh hưởng đối với những nhà thu mua tiêu trên thế giới là rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ theo dõi sát thị trường với thái độ khá dè dặt. Theo tôi, năm nay không có chuyện đơn hàng cấp tập như những năm trước”, bà Liên cho biết

Ngành dệt may chưa ghi nhận tác động từ cuộc khủng hoảng ngân hàng. (Ảnh: TTXVN)

Ở một ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam là dệt may hiện chưa ghi nhận tác động từ những vụ khủng hoảng ngân hàng nêu trên.

Trao đổi với người viết, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch Hiệp hội May Thêu Đan TP HCM cho biết cho đến thời điểm này các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng gì từ những vụ ngân hàng quốc tế sụp đổ, đồng thời cũng không bị thanh toán chậm.

Chủ tịch VitaJean cho rằng vấn đề lớn nhất của ngành dệt may lúc này là lạm phát tăng cao, người tiêu dùng toàn cầu thắt chặt chi tiêu với những sản phẩm không thiết yếu khiến đơn hàng xuất khẩu giảm.

“Sức mua của các thị trường Nhật, Mỹ, EU chưa phục hồi, còn thị trường nội địa trong tháng 2 vừa qua cũng ghi nhận giảm khoảng 20-30%. Các nhà máy của chúng tôi giảm công suất xuống 80%, những dây chuyền sản xuất sản phẩm cao cấp bị đình trệ, công nhân bị giảm giờ làm việc”, ông Việt nói.

Đối với ngành hàng hồ tiêu, doanh nghiệp cũng tỏ ra lo ngại đơn hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi những biến động lớn của nhiều ngân hàng quốc tế. 

Doanh nghiệp cơ cấu lại thị trường xuất khẩu

Lạm phát là khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ với thủy sản hay dệt may. Các doanh nghiệp chia sẻ rằng mục tiêu trong năm nay không phải là tăng trưởng nữa, mà là tồn tại. Và chiến thuật của các công ty ở thời điểm này là cơ cấu lại thị trường xuất khẩu trong ngắn hạn và duy trì sản xuất.

Ông Trần Văn Lĩnh cho biết trước đây, châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của Thuận Phước, tuy nhiên lạm phát khu vực này đang ở mức cao, đồng EUR mất giá khiến đối tác hạn chế nhập khẩu những sản phẩm có giá thành cao như tôm.

Trong khi đó, đồng Yên của Nhật có phần ổn định hơn. Do vậy doanh nghiệp này phải dựa trên các mối quan hệ làm ăn lâu năm, thuyết phục đối tác Nhật chia sẻ khó khăn, tăng nhập khẩu tôm để doanh nghiệp duy trì sản xuất ở mức cầm chừng.

Còn với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt cho biết ngoài các thị trường như Mỹ, EU… doanh nghiệp này đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia, Canada, đồng thời tăng cường tiêu thụ nội để phần nào bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường truyền thống.  

Phạm Mơ