Thị trường hàng hoá thế giới sẽ không chịu tác động quá lớn từ cuộc khủng hoảng ngân hàng
Trang Financial Times trích dẫn nhận định của một số nhà giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới rằng thiệt hại đối với thị trường năng lượng và kim loại gây ra bởi sự hỗn loạn của một số ngân hàng thời gian qua có thể sẽ được hạn chế.
Ông Sebastian Barrack, người đứng đầu bộ phận phân thích thị trường hàng hoá thuộc công quỹ Citadel, nhận định mức độ ảnh hưởng có thể được kiềm chế khi thị trường hàng hoá còn nhiều yếu tố cơ bản tốt.
“Cảm xúc sợ hãi có thể khiến thị trường hàng hoá đi xuống trong ngắn hạn. Nhưng bối cảnh hiện tại không hề giống với cuộc khủng hoảng năm 2007 - 2008. Chúng tôi tin rằng cuộc khủng hoảng một số ngân hàng sẽ không tác động lớn đến nhu cầu hàng hoá”, ông Sebastian Barrack chia sẻ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về hàng hoá diễn ra hôm 20/3.
Năm 2008, giá dầu thô giảm từ 150 USD/thùng xuống 30 USD/thùng chỉ trong vài tháng do khủng hoảng kinh tế. Kim loại và các hàng hoá khác cũng giảm mạnh.
Giá cả hàng hoá chịu áp lực trong tuần khi các thông tin tiêu cực của hệ thống ngân hàng liên tục xuất hiện, làm dấy lên lo ngại rằng hệ luỵ có thể lan sang các thị trường khác.
Giá dầu Brent tuần trước giảm 10% xuống 70 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ. Giá khí đốt ở Châu Âu lần đầu tiên kể từ năm 2021 giảm xuống dưới 40 euro/MWh.
Trafigura, một trong những nhà giao dịch kim loại và năng lượng lớn nhất thế giới cho biết mặc dù tâm lý lo lắng có thể lan ra các thị trường trong ngắn hạn nhưng công ty không nhận thấy rủi ro quá lớn như năm 2008.
Tuy nhiên, Guillaume de Dardel, người đứng đầu bộ phận kim loại dùng trong ngành năng lượng tại công ty giao dịch hàng hóa Mercuria có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết môi trường lãi suất cao có thể tác động dây chuyền đối với các dự án chuyển đổi năng lượng.
“Môi trường hiện tại ẩn chứa nhiều rủi ro hơn khi các dự án phải đối mặt với các vấn đề tài chính. Điều này dẫn đến việc thực hiện các dự án chuyển đổi năng lượng trở nên khó khăn hơn do đòi hỏi nguồn lực tài chính mạnh”, ông nói.
Một số chuyên dự báo giá khí đốt tốt tự có thể vẫn chịu áp lực nhưng giá dầu có thể tăng trong nửa còn lại của năm 2023.
“Giá khí đốt ở Châu Âu đã giảm xuống dưới 40 euro/MWh. Giá khí đốt ở Bắc Mỹ cũng đang giảm vì chúng ta đã trải qua mùa đông ôn hoà và dư cung. Nửa cuối năm nay vẫn cho thấy dấu hiệu OPEC+ có thể thắt chặt nguồn cung và nhu cầu tiếp tục tăng”, ông Barrack cho biết.