Sản lượng dầu mỏ của OPEC có thể tăng 120.000 - 150.000 thùng/ngày trong tháng 2
Trang Oilprice dẫn khảo sát của Bloomberg cho thấy OPEC đã tăng sản lượng dầu thô trong tháng 2 thêm 120.000 thùng/ngày lên 29,24 triệu thùng/ngày trong bối cảnh sản lượng của Nigeria phục hồi.
Tuy nhiên, tổng sản lượng của Nigeria vẫn thấp hơn so với hạn ngạch mà tổ chức OPEC+ đưa ra.
OPEC khai thác 29,24 triệu thùng dầu thô/ngày, tăng 120.000 thùng/ngày so với tháng 1.
Mới đây, trong cuộc khảo sát của Reuters từ đầu tuần này cũng ước tính sản lượng của OPEC trong tháng 2 đã tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng 1 lên 28,97 triệu thùng/ngày. Trong tháng 2, Nigeria đóng góp lớn nhất vào mức tăng sản lượng của OPEC mới mức tăng 100.000 thùng/ngày. Iraq chứng kiến mức tăng sản lượng lớn thứ hai, theo khảo sát của Reuters.
Trước đó, trong tháng đầu tiên của năm 2023, sản lượng khai thác của OPEC giảm 49.000 thùng so với hồi tháng 12/2022 do sản lượng của Arab Saudi giảm 156.000 thùng/ngày, theo Báo cáo Thị trường Dầu mỏ hàng tháng của OPEC. Báo cáo cho thấy Nigeria và Angola tăng sản lượng mạnh nhất trong tháng 1, lần lượt 65.000 và 47.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, sản lượng của các quốc gia này vẫn còn thấp hơn nhiều so với hạn ngạch mà OPEC+ yêu cầu.
Trong tháng 2, sản lượng của Nigeria chiếm khoảng 2/3 sản lượng của OPEC với 1,44 triệu thùng, ngưỡng cao nhất trong 1 năm, theo khảo sát của Bloomberg. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với hạn ngạch 1,742 triệu thùng mà OPEC+ yêu cầu Nigeria đạt được trong giai đoạn 11/2022 đến tháng 12/2023.
Những quốc gia thành viên khác hầu như giữ ổn định sản lượng do OPEC tuân thủ hạn ngạch cố định vào cuối năm ngoái để giữ cho thị trường dầu thô cân bằng trong bối cảnh nhu cầu phục hồi mong manh. Arab Saudi đã cam kết các mục tiêu sẽ được duy trì đến cuối năm 2023.
Tiêu thụ dầu mỏ được dự báo sẽ tăng trở lại, đẩy giá mặt hàng này tăng vào cuối năm nay khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa sau các đợt phong toả để chống COVID-19. Tuy nhiên, lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ và nguy cơ suy thoái kinh tế đang đè nặng lên thị trường ở thời điểm hiện tại khiến Arab Saudi và các nước thành viên OPEC trở nên thận trọng.
Đồng thời OPEC cũng đang theo dõi những diễn biến tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Cho đến nay, sản lượng khai thác của Nga vẫn ổn định bất chấp những ảnh hưởng từ cuộc xung đột, đặc biệt là lệnh trừng phạt của các nước đối với mặt hàng năng lượng của nước này.