|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường dầu mỏ nhiều thay đổi sau xung đột Nga-Ukraine

04:00 | 13/03/2023
Chia sẻ
Một năm kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thị trường dầu mỏ trở nên thiếu chắc chắn và phân mảnh hơn. Tình trạng này sẽ thúc đẩy giá dầu thô trong dài hạn.

Việc châu Âu cắt đứt nguồn cung nhiên liệu khỏi Nga đã khiến “lục địa già” phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Đông và Mỹ.

Sự thay đổi trên giúp Trung Quốc và Ấn Độ có thể tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, trong khi những nước từ chối mua dầu thô của Nga phải trả thêm phí để nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác.

Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Burkhard thuôc công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Mỹ), nhận định thị trường dầu mỏ về một số mặt đã hoàn toàn thay đổi so với trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Theo ông Burkhard, một thị trường toàn cầu với sự cạnh tranh mở không còn tồn tại nữa và tình trạng hiện tại được gọi là phân vùng.

Với việc bổ sung Nga vào danh sách các quốc gia bị trừng phạt cùng với các nhà xuất khẩu dầu thô Iran và Venezuela, gần 20% nguồn cung toàn cầu từ các thị trường lớn đã bị cắt giảm.

Ông Burkhard cho hay hiện nay dầu được định giá dựa trên nguồn gốc chứ không phải chất lượng. Tình trạng phân vùng thị trường cũng ảnh hưởng đến các tuyến đường vận chuyển dầu thô. Việc châu Âu cấm nhập khẩu dầu của Nga buộc hàng xuất khẩu của Nga phải đi xa hơn để đến tay người mua.

Phát biểu tại diễn đàn năng lượng CERAWeek, ông Torbjorn Tornqvist, nhà đồng sáng lập công ty thương mại của Gunvor Group đánh giá việc vận chuyển dầu thô theo cung đường xa hơn sẽ làm tăng chi phí vận chuyển vốn đã ở mức rất cao.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, ông Jose Fernandez, nhận định kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, một sự thay đổi cơ bản đã diễn ra và khó có thể sớm đảo ngược. Nhiều chuyên gia đã dự báo về những thay đổi lâu dài.

Eirik Waerness, nhà kinh tế trưởng tại Equinor, cho rằng châu Âu sẽ không phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong một thời gian rất dài và điều này sẽ có có tác động lâu dài.

Theo các nhà quan sát, cuộc xung đột đã củng cố vị thế của cả Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lẫn Mỹ.

Ông Burkhard cho rằng năng lực sản xuất của Saudi Arabia tiếp tục mang lại cho OPEC tiếng nói trên thị trường. Vai trò của Mỹ trên thị trường quốc tế cũng đã được củng cố.

Tuần trước, Mỹ, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã lập kỷ lục mới về xuất khẩu dầu thô với 5,6 triệu thùng/ngày, gần gấp đôi mức trong năm 2021. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn chưa quay trở lại mức ghi nhận trước đại dịch COVID-19.

Trà My (Theo AFP)