Giá cả nhiều loại nguyên liệu đã giảm về mức trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra
Theo Nikkei Asia, giá nhiều loại hàng hoá vốn tăng mạnh sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ nay đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ việc các nước nhập khẩu đã tìm được nguồn cung thay thế cho các sản phẩm của Nga.
Nikkei đã lấy giá của 19 loại hàng hoá trong chỉ số Refinitiv/CoreCommodity CRB Index (thước đo tổng hợp giá cả của 22 loại hàng hóa chính) tại thời điểm 17/2/2023 so sánh với giá của ngày trước khi xảy ra căng thẳng chiến sự là 23/2/2022. Kết quả là giá của 14 mặt hàng đã giảm.
Dữ liệu cũng cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng dầu thô và khí đốt toàn cầu trong năm qua.
Theo nhà cung cấp thông tin tài chính Refinitiv, Nhật Bản và Đức đã cắt giảm đáng kể lượng dầu thô nhập khẩu bằng đường biển của Nga vào năm 2022, với lượng nhập khẩu giảm 60% so với năm trước.
Tương tự, Mỹ cũng giảm tới 90% nhập khẩu dầu thô của Nga. Ngược lại, nhập khẩu dầu thô từ Nga của Trung Quốc tăng 30%, trong khi của Ấn Độ tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ.
Đối với thị trường khí đốt tự nhiên, khi các nhà nhập khẩu châu Âu tìm được lựa chọn thay thế cho nguồn cung của Nga, họ tăng mạnh nhập khẩu gas hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các nơi khác, giá khí đốt đã giảm mạnh gần 80% so với mức đỉnh vào tháng 8/2022. Nguyên nhân một phần cũng đến từ nhu cầu yếu hơn khi thời tiết mùa đông ấm áp bất thường ở châu Âu.
Giá dầu thô và các hàng hóa khác thấp hơn đã khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc tài trợ cho cuộc chiến. Trong tháng 1, doanh thu từ dầu mỏ và khí tự nhiên, nguồn thu chính của chính phủ Nga, đã giảm 46% so với cùng kỳ. Nhưng bất chấp doanh thu giảm, chi tiêu cho quân sự tăng lên, dẫn đến thâm hụt ngân sách tháng thứ hai liên tiếp.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, nhiều mặt hàng của Nga đang tìm đường xuất khẩu sang các thị trường khác. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu áp lệnh trừng phạt cũng đang phải vật lộn để tìm nhà cung cấp mới.
Nga nắm giữ lần lượt khoảng 4%, 5% và 7% thị phần của thị trường phôi đồng, phôi nhôm và niken. Nhu cầu mạnh mẽ đã giúp các mặt hàng này của Nga được lưu hành. Mặc dù giá của các mặt hàng này đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3/2022, nhưng giá đồng và nhôm đã giảm 10%-30% so với mức trước khi căng thẳng bùng nổ do nguồn cung khá dồi dào.
Trong phân khúc kim loại màu, Mỹ dự kiến sẽ áp đặt mức thuế 200% đối với nhôm của Nga. Nguồn cung dồi dào ở Bắc Mỹ làm cho các biện pháp trừng phạt trở nên khả thi.
Giá một số mặt hàng vẫn ở mức cao mà Nga là nhà cung cấp quan trọng. Vật liệu titan do Nhật Bản sản xuất đang trở nên phổ biến hơn đối với các nhà sản xuất máy bay để thay thế cho hàng nhập khẩu của Nga. Tính đến ngày 14/2, giá quặng titan cao hơn gần 20% so với trước khi căng thẳng nổ ra, theo Argus Media, một hãng thông tấn của Anh.
Toru Okabe, giáo sư tại Viện Khoa học Công nghiệp tại Đại học Tokyo, cho biết: “Giá có thể tăng cao nếu rạn nứt Đông-Tây ngày càng sâu sắc và nguồn cung từ Trung Quốc bị cắt đứt”.
Giá của tất cả 19 mặt hàng trong chỉ số CRB đều cao hơn so với cuối năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Trong đó, giá đồng đã tăng khoảng 50%. Nhiều nhà phân tích thị trường tin rằng giá cả khó có thể quay trở lại mức trước đại dịch do tình trạng thiếu lao động và chi phí vận chuyển cao hơn.
Triển vọng kiềm chế lạm phát mờ mịt. Giá quặng sắt và các loại khác đang tăng lên khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero COVID và nền kinh tế của nước này phục hồi. Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã tăng 44% kể từ cuối tháng 10 năm ngoái.
Giá dầu thô hiện dưới 80 USD/thùng, được dự báo sẽ lên tới 100 USD vào cuối năm nay. Theo Goldman Sachs, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể cộng thêm 0,5 điểm phần trăm vào lạm phát của Mỹ do giá dầu thô và giá các mặt hàng khác cao hơn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/