|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế thế giới vẫn oằn mình từ tác động của xung đột Nga-Ukraine

21:00 | 22/02/2023
Chia sẻ
Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề như nguồn cung ngũ cốc, phân bón và năng lượng toàn cầu bị hạn chế, cùng với lạm phát gia tăng và rủi ro suy thoái kinh tế ngày một lớn.

Thu hoạch ngũ cốc trên cánh đồng ở Melitopol, vùng Zaporizhzhia (Ukraine). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một năm sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào ngày 24/2/2022, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề như nguồn cung ngũ cốc, phân bón và năng lượng toàn cầu bị hạn chế, cùng với lạm phát gia tăng và rủi ro suy thoái kinh tế ngày một lớn trong một thế giới vốn đã phải đối mặt với quá nhiều bất ổn.

Mặc dù tác động của xung đột vẫn ảm đạm như vậy, nhưng các công ty và quốc gia phát triển đã tỏ ra kiên cường một cách đáng ngạc nhiên. Cho đến nay, đa số nhóm này vẫn tránh được kịch bản tồi tệ nhất là suy thoái kinh tế. Nhưng ở các nền kinh tế mới nổi, "nỗi đau" đang dữ dội hơn.

Áp lực từ giá nhiên liệu

Trong Bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) tháng 1/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo xu hướng tăng trưởng toàn cầu giảm tốc từ 6,2% năm 2021 xuống 3,4% năm 2022 và 2,9% năm 2023 - tương đương với khoảng 1.000 tỷ USD bị mất đi.

Ngoài triển vọng tăng trưởng suy giảm như dự báo của IMF, một thiệt hại khác của cuộc chiến này là áp lực lạm phát gia tăng trên khắp các nền kinh tế thế giới.

IMF cho biết giá tiêu dùng đã tăng trung bình 7,3% ở các quốc gia giàu có nhất vào năm ngoái - cao hơn mức dự báo 3,9% vào tháng 1/2022. Đối với các quốc gia nghèo hơn, con số này tăng từ mức 5,9% dự kiến trước cuộc xung đột lên 9,9%. Lạm phát toàn cầu được ước tính sẽ tăng từ 4,7% hồi năm 2021 lên 8,8% năm 2022 trước khi giảm nhẹ trong những năm tiếp theo.

Kể từ trước khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, xu hướng suy thoái đã hiện rõ trên khắp các nền kinh tế thế giới, chủ yếu do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, xung đột đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn đã tồi tệ do làm gia tăng áp lực giá cả.

Áp lực lạm phát ngày một lớn chủ yếu vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột gây ra. Nga đóng một vai trò quan trọng trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu năng lượng trên thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới năm 2021 với 241,3 tỷ m3, đồng thời là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai toàn cầu khi chiếm 8,3% tổng lượng dầu thô xuất khẩu vào năm 2021 và chỉ đứng sau Saudi Arabia với 16,5%.

Do đó, bất kỳ sự gián đoạn trong hoạt động cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga sẽ có tác động đa chiều đến giá dầu thô và năng lượng thế giới. Vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với việc xuất khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác của Nga, giá dầu thô quốc tế đã tăng mạnh. Đầu năm 2022, giá dầu thô Brent được giao dịch trong khoảng 78-80 USD/thùng. Giá dầu đã đạt đỉnh gần 140 USD/thùng vào tháng 3/2022 sau khi xung đột nổ ra, sau đó giao dịch ở mức khoảng 122 USD/thùng. Trong giai đoạn từ đó đến tháng 8/2022, giá dầu vẫn vượt mốc 100 USD/thùng trước khi giảm nhẹ.

Một trạm xăng ở Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ảnh hưởng của việc giá dầu thô tăng mạnh như vậy được phản ánh trong mức lạm phát ở nhiều nền kinh tế tiên tiến lẫn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Theo lưu ý của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, giá 1 thùng dầu tăng thêm 10 USD sẽ dẫn đến lạm phát tổng thể tại nước này tăng 0,2%.

Rủi ro về an ninh lương thực

Bên cạnh đó, tình hình lạm phát trên toàn cầu còn trầm trọng hơn còn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thể hiện qua việc giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, kim loại và khoáng sản và thực phẩm tăng mạnh. Theo một số ước tính, nguồn cung phân bón của Nga chiếm khoảng 17% tổng cung phân bón toàn cầu.

Theo thống kê từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, Nga và Ukraine chiếm lần lượt 18% và 10% xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu, 14% và 12% trong xuất khẩu lúa mạch, 26% và 37% trong xuất khẩu dầu hướng dương.

Giá lương thực quá cao đang gây khó khăn đặc biệt cho nhóm dân số nghèo. Xung đột đã làm gián đoạn nguồn cung lúa mỳ, lúa mạch và dầu ăn từ Ukraine và Nga, những nhà cung cấp chính toàn cầu cho châu Phi, Trung Đông và một phần châu Á, nơi nhiều người phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực.

Tại Nigeria, nước nhập khẩu lúa mỳ hàng đầu của Nga, giá lương thực trung bình đã tăng vọt 37% trong năm ngoái. Giá bánh mì đã tăng gấp đôi ở một số nơi trong bối cảnh thiếu lúa mỳ. Ít nhất 40% tiệm bánh ở thủ đô Abuja của Nigeria phải đóng cửa sau khi giá bột mì tăng vọt khoảng 200%.

Các quốc gia như Tunisia, Morocco và Ai Cập - một trong những nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 2/3 dân số Ai Cập nhận được năm ổ bánh mì (còn được gọi là eish baladi) mỗi ngày, với chi phí chỉ 0,5 USD một tháng, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Khoản tiền chênh lệch được chi trả bởi một chương trình trợ cấp bánh mì của chính phủ.

Trong năm 2022, Chính phủ Ai Cập phải trả 2,8 tỷ USD cho chương trình này. Vào tháng Sáu năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập lưu ý rằng giá lúa mỳ tăng cao sẽ khiến chi tiêu cho chương trình trợ cấp bánh mì của nước này tăng thêm 1,5 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023. Oằn mình dưới sức nặng của các chương trình thực phẩm đắt đỏ, Chính phủ Ai Cập gần đây đã buộc phải chấp nhận khoản vay 3 tỷ USD từ IMF.

Giống như các chương trình khác của IMF, điều kiện cho khoản vay là Chính phủ Ai Cập phải tuân thủ chương trình cắt giảm chi tiêu nhà nước để nhận được các khoản vay định kỳ trong bốn năm tới. Mặc dù các biện pháp thắt lưng buộc bụng không còn xa lạ đối với các chương trình của IMF, chúng vẫn hứng chịu nhiều chỉ trích vì thường làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn xã hội.

Một góc nhìn khác

Cùng với sự phục hồi không đồng đều từ sau đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine chỉ làm căng thẳng thêm môi trường vốn đã không mấy êm ả đối với các nước đang phát triển đang gặp khó khăn vì lạm phát.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng lạm phát không phải lúc nào cũng là yếu tố cản trở tăng trưởng. Ngược lại, lạm phát ở một mức độ nhất định là cần thiết để nền kinh tế tăng trưởng. Đây là lý do một số nước trên thế giới áp dụng cơ chế xác định lạm phát mục tiêu.

Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Toronto, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cơ chế này rất đơn giản. Theo IMF, ngân hàng trung ương sẽ dự báo con đường lạm phát trong tương lai và so sánh nó với tỷ lệ lạm phát mục tiêu (tỷ lệ mà chính phủ tin là phù hợp với nền kinh tế). Vương quốc Anh (1992), Brazil (1999), Nhật Bản (2013) và Ấn Độ (2015) là một số quốc gia đã áp dụng cơ chế này.

Lạm phát có những tác động tiêu cực khi nó tăng lên trên mức ngưỡng đề ra. Áp lực lạm phát cao trong nền kinh tế làm xói mòn sức mua hoặc thu nhập thực tế (thu nhập đã điều chỉnh theo lạm phát) của người dân - đây là tác động tiêu cực lớn nhất của lạm phát phi mã.

Mặt khác, lạm phát thấp hơn hoặc giảm phát lại dẫn đến giảm hoạt động kinh tế, từ đó giảm thu nhập và sản lượng kinh tế. Tình trạng đó cũng dẫn đến suy giảm mức tiêu dùng, giảm tổng cầu và khiến mức sống của người dân xuống thấp hơn. Ở một số nền kinh tế, giảm phát cũng có thể đi cùng với mức độ nghèo đói ngày càng tăng.

Tình trạng lạm phát tăng cao kết hợp tăng trưởng suy giảm (lạm phát đình trệ) như hiện thời đòi hỏi phải có các phản ứng chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp. Một mặt, tình hình này cần được giải quyết bằng việc các cơ quan quản lý tiền tệ tăng lãi suất để “neo giữ” kỳ vọng về lạm phát của nền kinh tế. Mặt khác, các chính phủ cũng nên bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua các biện pháp chính sách tài khóa mở rộng nhưng được hiệu chỉnh tốt và có mục tiêu, để hỗ trợ phục hồi cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện tại, các nhà hoạch định chính sách nên bám sát con đường giảm phát để kiểm soát áp lực tăng giá, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu đi. Chậm mà chắc - các nước cần kiên nhẫn và tỉnh táo để tìm cách vượt qua giai đoạn nhiều bất ổn này với tổn thất ít nhất có thể.

H.Thủy