Hai thái cực của hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc: Nông sản sôi động, vật liệu xây dựng đìu hiu
Xuất khẩu nông sản chớp thời cơ vàng khi Trung Quốc mở cửa
Trong thương mại hàng hóa, Trung Quốc luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản và vật liệu xây dựng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 7,4 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản ghi nhận tăng trưởng mạnh, trong đó gạo đứng vị trí dẫn đầu với mức tăng trưởng cao nhất 125%.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhờ khả năng hút hàng khi có những hợp đồng lớn.
"Với việc Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam", Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nói.
Một mặt hàng khác cũng được đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2023 là rau quả. Theo đó 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc đạt 320,5 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 57% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero COVID” đã giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này lấy lại đà tăng trưởng. Cùng với đó những ngày cuối tháng 2, mặt hàng sầu riêng của Việt Nam đón tin vui Trung Quốc đã cấp thêm 230 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc, nâng tổng số lên 343 mã.
Việc nhiều mã vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp “visa” xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu rau quả năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết 2023 được dự báo là năm lạc quan với xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam, trong đó có sự lên ngôi của trái sầu riêng.
"Nếu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1 tỷ USD thì chắc chắn góp phần mang lại tổng kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng rau quả Việt Nam vào khoảng 4 tỷ USD. Đây là những dự đoán tương đối có khả năng chúng ta sẽ đạt được", ông Nguyên nói.
Ngoài rau quả và gạo, thủy sản cũng là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng sang Trung Quốc dù kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm sụt giảm nhẹ 13% do trùng dịp Tết Nguyên đán và yếu tố tồn kho.
Chia sẻ với người viết, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ cải thiện từ quý II/2023 trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
“Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác”, bà Lê Hằng nói.
Chuyên gia của VASEP cho biết thêm mặt hàng cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, đồng thời cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết.
Xuất khẩu vật liệu, nguyên liệu đìu hiu theo xu thế chung
Trong khi xuất khẩu nông sản hồi phục mạnh thì hàng vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng hay nguyên liệu công nghiệp như cao su lại giảm tốc.
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc chỉ đạt 3,4 triệu USD, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu thị trường, tỷ trọng xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc lao dốc xuống còn 1,6%, trong khi 2 tháng đầu năm 2022 con số này ở mức 48%.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng xuất khẩu xi măng và clinker năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn khi nhu cầu xây dựng của thị trường chính là Trung Quốc vẫn ảm đạm.
2 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu xi măng và clinker của các doanh nghiệp nhà nước và FDI gần như bằng 0, chỉ có một vài doanh nghiệp tư nhân xuất đi được một lượng rất nhỏ.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 cũng đang khiến doanh nghiệp điêu đứng vì giá bán không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất và thuế.
“Trong bối cảnh giá clinker xuất khẩu không tăng, lại phải gánh thêm thuế sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Cung nói.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc ảm đạm không chỉ kéo theo sự chững lại của xuất khẩu xi măng, mà còn cả mặt hàng sắt thép.
Số liệu cho thấy 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc chỉ đạt 1,4 triệu USD, giảm 94% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại báo cáo ngành thép mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế vẫn khó có khả năng kéo sự hồi phục của ngành thép Việt Nam bởi chính nước này vẫn đang trong cuộc khủng hoảng bất động sản.
Trong khi đó ở thị trường châu Âu và Mỹ vẫn đang quay cuồng với lạm phát. Do vậy, Mirae Asset dự báo sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt 5 triệu tấn, giảm 16% so với năm 2022.