|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc đẩy mạnh mua vào, giá tiêu rục rịch tăng tiếp

06:56 | 15/03/2023
Chia sẻ
Xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đã tăng tới 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 10.209 tấn. Tại thị trường trong nước, giá tiêu ở một số địa phương rục rịch bước vào đợt tăng mới sau hơn một tuần đi ngang.

Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 8 lần

Sau hơn 1 tuần đi ngang, giá tiêu tại một số địa phương đang rục rịch bước vào đợt tăng mới. Thông tin khảo sát được cho thấy, trong ngày 14/3 giá tiêu tại Đắk Lăk, Đắk Nông và Gia Lai đã tăng thêm 500 đồng/kg so với ngày trước đó.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã tăng hơn 10% (6.000 – 6.500 đồng/kg), lên mức 64.000 – 66.000 đồng/kg.

Hoàng Hiệp tổng hợp

Theo các chuyên gia trong ngành tiêu, nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc là yếu tố chính thúc đẩy giá tiêu đi lên trong thời gian qua, ngay cả trong thời điểm chính vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào.

Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Việt Nam đã xuất khẩu 40.814 tấn hồ tiêu trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch 128,6 triệu USD, tăng 33% (10.138 tấn) về lượng nhưng giảm 9% tương đương 12,7 triệu USD về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam với 10.209 tấn, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng một nửa lượng tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.

Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu tiêu của Việt Nam theo đó đã tăng lên mức 25% so với khoảng 4% của cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng trong tháng 2, khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 với 8.485 tấn, tăng 392,2% so với tháng 1 và chiếm 30,1% thị phần xuất khẩu.

Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero COVID” xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 20.498 tấn, giảm 46,4% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong 5 năm.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới kể từ đầu năm nay sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch đã giúp cho các hoạt động xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường này khởi sắc trở lại.

Nguồn: Số liệu từ VPA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong khi đó, Mỹ rơi xuống vị trí thứ hai về thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với khối lượng đạt 7.097 tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 17,4% thị phần.

Mặc dù vậy, xét theo kim ngạch xuất khẩu thì Mỹ vẫn là thị trường đứng đầu về doanh thu của ngành tiêu Việt Nam, đạt 28,8 triệu USD so với gần 20 triệu USD của Trung Quốc. Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng gấp đôi so với Trung Quốc, đạt bình quân 4.062 USD/tấn.

Một số thị trường khác cũng có lượng nhập khẩu tăng trong 2 tháng qua như UAE: 2.655 tấn, tăng 39,9%, Phlippines: 1.129 tấn, tăng 36%.

Xuất khẩu cũng tăng ở Senegal, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Bangladesh nhưng giảm ở Đức, Hà Lan, Anh, Ấn Độ…

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định thị trường hồ tiêu toàn cầu có xu hướng phục hồi do nhu cầu của các nhà nhập khẩu tăng. Việt Nam mặc dù đang ở thời điểm thu hoạch chính vụ, tuy nhiên sản lượng vụ thu hoạch tiêu mới đang cho thấy sự sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân là do diện tích giảm và năng suất một số vùng thấp do thời tiết không thuận lợi.

Còn theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA, những tháng quý I, hoạt động giao dịch tiêu của Việt Nam sẽ sôi động hơn vì vừa kết thục vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này. 

Năm 2023, VPA mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách. Nếu đa dạng được thị trường, các doanh nghiệp có thể tránh những rủi ro khi xảy ra các sự cố ở thị trường tiêu thụ chính; Trung Quốc là bài học điển hình. 

Thứ hạng xuất khẩu của các doanh nghiệp có nhiều thay đổi

Cùng với nhu cầu phục hồi mạnh từ thị trường Trung Quốc, thứ hạng của các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hàng đầu của nước ta cũng có những sự thay đổi nhất định.

Theo VPA, Trân Châu là doanh nghiệp đứng đầu xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 3.399 tấn, chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước giảm 11,5%.

Tiếp theo là công ty Lý Hoàng Sơn xuất khẩu đến 3.009 tấn trong khi cùng kỳ vắng bóng; Phúc Sinh: 2.547 tấn, tăng 32,2%; Nedspice Việt Nam: 2.468 tấn, giảm 19,7%; Olam Việt Nam: 2.446 tấn, giảm 42,1%.

Một số công ty khác cũng ghi nhận khối lượng xuất khẩu tăng đột biến và lọt vào TOP đầu dù cùng kỳ không tham gia xuất khẩu như: Đăng Nguyên LS (1.471 tấn), Vũ Quốc Tuân (1.383 tấn), Đào Xuân Khoa (869 tấn), Nguyễn Thị Lan Phương (799 tấn).

Khối các doanh nghiệp trong VPA xuất khẩu đạt 25.963 tấn, giảm 2,7% trong khi đó khối các doanh nghiệp ngoài VPA đạt 14.851 tấn, tăng 272,8% so với cùng kỳ do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ VPA

Hoàng Hiệp