|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lượng tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc trong đầu năm 2023 tăng gấp 4 lần cùng kỳ, giá tiêu khởi sắc

17:24 | 22/02/2023
Chia sẻ
Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 1 đạt 1.475 tấn, cao gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ hai của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 12%, đứng sau Mỹ (26%) và chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch

Trung Quốc mua hàng trở lại

Giá tiêu những tháng đầu năm tăng mạnh ngay cả khi đang trong vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào.  Cụ thể, tính đến ngày 22/2, giá tiêu giao dịch quan mức 65.000 - 67.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. Trong đó, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu giao dịch ở mức cao nhất và thấp nhất là Gia Lai. 

 H.Mĩ tổng hợp

Theo lý giải của một số chuyên gia trong ngành, giá tiêu tăng mạnh ngay cả khi trong giai đoạn thu hoạch một phần là do yếu tố lạm phát cũng đang tăng cao.

Một tín hiệu khởi sắc khác đến từ Trung Quốc khi thị trường này đang quay trở lại mua hàng từ Việt Nam sau thời gian đóng cửa để thực hiện chính sách Zero COVID.

Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 1 đạt 1.475 tấn, cao gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ hai của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 12%, đứng sau Mỹ (26%) và chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Kim ngạch xuất khẩu tiêu sang thị trường này trong tháng 1 cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 2,3 triệu USD.

 Số liệu VPA (H.Mĩ tổng hợp)

Trong cơ cấu các thị trường cung cấp hồ tiêu cho Trung Quốc, Việt Nam đứng thứ hai, sau Indonesia, với thị phần khoảng 32%. 

 Số liệu: Hải quan Trung Quốc

Trước đó, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm gần một nửa trong năm 2022 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

“Trước đây khi chưa xảy ra dịch bệnh, mỗi tháng Trung Quốc nhập khẩu trung bình 50.000 – 60.000 tấn tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, nước này theo đuổi chính sách Zero Covid khiến lượng nhập khẩu chỉ còn khoảng 1.000 tấn/tháng. Con số này quá ít”, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết. 

Mặc dù lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhưng tính chung khối lượng tiêu xuất khẩu sang các thị trường trong tháng 1 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 12.653 tấn do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên Đán và Tết Dương lịch. 

Đại diện VPA cho rằng những tháng quý I, hoạt động giao dịch tiêu của Việt Nam sẽ sôi động hơn vì vừa kết thục vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này.

Bà Liên cho biết trong năm 2023, ngành tiêu mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách.

“Nếu đa dạng được thị trường, các doanh nghiệp có thể tránh những rủi ro khi xảy ra các sự cố ở thị trường tiêu thụ chính; Trung Quốc là bài học điển hình”, bà Liên nói.

Sản lượng tiêu năm 2023 có thể tăng 5%

Theo VPA, sản lượng hồ tiêu năm 2022 khoảng 175.000 tấn. Hiện nhiều tỉnh đang thu hoạch vụ tiêu 2023 và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 4 với sản lượng khoảng 180.000 - 185.000 tấn, tăng 5% so với năm 2022. 

Một số vùng của Đắk Nông năm ngoái bị ảnh hưởng bởi mưa sớm nên cây tiêu không kịp phân hóa mầm hoa, ảnh hưởng tới năng suất năm nay. Ngược lại, cũng có một số vùng ở ngay chính Đắk Nông cho sản lượng thu hoạch tốt hơn so với năm ngoái. Vụ mua cũng tương đối khả quan ở Cư Kuin - Đắk Lắk và Đắk Đoa ở Gia Lai. 

Giá hồ tiêu liên tục giảm trong năm 2022 đã tác động không nhỏ đến việc đầu tư, chăm sóc của người nông dân đối với loại cây này. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sâu bệnh, giá vật tư, phân thuốc, nhân công vẫn ở mức cao cũng tác động tới lợi nhuận người nông dân.

Ngoài ra, hạn mức tín dụng bị thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao… làm cho việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ảnh hưởng của xung đột Đông Âu, giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát kinh tế toàn cầu kéo dài ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu, đặc biệt là ở các nước khu vực châu Âu và Mỹ.

 

H.Mĩ