|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sắp 'bùng nổ', doanh nghiệp Việt vẫn chật vật với thủ tục thông quan

15:36 | 09/03/2023
Chia sẻ
Trung Quốc đang đẩy lùi dịch COVID-19 và mở cửa kinh tế, nhu cầu nhập khẩu thủy sản dự kiến sẽ tăng mạnh. Song, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tươi sống vẫn gặp nhiều khó khăn trong thủ tục thông quan, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị hàng hóa.

Trung Quốc đẩy lùi COVID-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản dự kiến tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu tích cực sau khi nước này mở cửa kinh tế. Trong tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng 33% lên 122 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 158 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ. 

 

Tại Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)”, ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời là đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết bắt đầu từ tháng 3/2023, thương mại nông thủy sản giữa hai nước Trung – Việt sẽ khởi sắc khi nước này dần đẩy lùi được dịch COVID-19 và mở cửa thương mại.

Trong năm 2023, công ty Đông Đằng dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Ngoài ra, công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố và các loại hải sản khác.

Một tin vui ông Tô Vạn Quang mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam là công ty này đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP Phòng Thành Cảng (Quảng Tây, Trung Quốc).

Chính quyền TP Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn 1 cỡ lớn, diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản. Kho lạnh giai đoạn 2 diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản cũng đã khởi công.

“Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn trong thời gian nhanh chóng. Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP Phòng Thành Cảng cũng sẽ là nơi các bên mua-bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm”, ông Tô Vạn Quang cho biết.

Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết cộng đồng doanh nghiệp thủy sản rất coi trọng Trung Quốc bởi đây là thị trường có nhu cầu lớn. Năm 2022, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với kim ngạch 1,6 tỷ USD. 

 Phạm Mơ tổng hợp từ VASEP, Tổng cục Hải quan.

"Mỗi năm Trung Quốc chi đến 2 tỷ USD để nhập thủy sản tươi sống nhưng Việt Nam chỉ mới cung cấp khoảng 322 triệu USD, chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu nên cơ hội cho mảng này rất lớn”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Đại diện VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT đẩy nhanh công tác xét duyệt hồ sơ cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và tháo gỡ khó khăn về quy trình, đồng thời đề nghị phía cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cải tiến về công nghệ, số hóa để khắc phục tình trạng này.

Hàng thủy sản tươi sống vẫn chật vật với thủ tục thông quan

Trong thương mại giữa hai nước, Móng Cái (Quảng Ninh) – Đông Hưng (Quảng Tây) là cặp cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phản ánh rằng việc xuất khẩu thủy sản tươi sống vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến cho biết công ty đã và đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt – Km3 + Km4, tại cặp chợ Biên Mậu Móng Cái – Đông Hưng, thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan thuế.

Do đó, đại diện công ty Vĩ Tuyến đề xuất Bộ NN&PTNT có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được.

"Nếu được, tôi mong muốn các bộ ngành xem xét có giải pháp xin miễn trừ báo cáo tài chính hình thức làm thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới đối với các doanh nghiệp", ông Trần Văn Út nói.

Đối với hoạt động xuất khẩu chính ngạch, ông Trần Văn Út thông tin chỉ trong 4 ngày, doanh nghiệp đã có 11 lô hàng tươi sống bị phân luồng đỏ khi làm thủ tục tại sân bay khiến thời gian kiểm tra hàng hóa kéo dài, lô hàng giao bị giảm chất lượng và doanh nghiệp phải giảm giá 50%.

Giám đốc công ty Vĩ Tuyến cho biết việc này không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng thủy sản Việt Nam. Vị này đề nghị cơ quan quản lý có chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống.

Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Đặng Đình Long, CEO CTCP Đầu tư Thương mại Mega A khuyến cáo các doanh nghiệp nông thủy sản xuất khẩu với khối lượng lớn nên ưu tiên đi theo đường biển, đặc biệt với các doanh nghiệp xuất đơn hàng tới khu vực Đông Bắc Trung Quốc bởi hệ thống cảng biển tại đây rất nhiều như Thiên Tân, Đại Liên, Thanh Đảo giúp đẩy nhanh thời gian vận chuyển.

“Trong thời điểm kinh tế thế giới còn chịu những bất ổn như lạm phát, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, việc vận chuyển bằng đường biển sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện giao dịch một cách ổn định. Bộ hồ sơ thuế, lịch sử xuất khẩu cũng được hoàn thiện, đầy đủ, tạo tiền đề hấp dẫn với các nhà mua mới”, ông Đặng Đình Long nói.

Hoàng Anh