|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cơn nghiện' trà sữa trân châu tràn từ châu Á sang Âu, Mỹ hứa hẹn một ngành công nghiệp trị giá 4,3 tỷ USD

16:27 | 12/04/2021
Chia sẻ
Với việc lan rộng trào lưu trên toàn thế giới, giá trị ngành công nghiệp trà sữa trân châu được kỳ vọng sẽ tăng lên 4,3 tỷ USD trong năm 2027.

Trà sữa trân châu có lẽ không còn là một thức uống xa lạ với người dân Việt Nam. Vào thời "hoàng kim" nhất của thức uống này, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng trà sữa mọc lên chi chít ở nhiều con phố lớn tại các đô thị sầm uất. Thậm chí, ở các vùng nông thôn, mức độ ảnh hưởng của trà sữa cũng không hề kém.

Vào giai đoạn cực thịnh từ 2017 - 2019 của trà sữa, cửa hàng thi nhau mọc lên như nấm sau mưa. Theo một khảo sát của Lozi vào năm 2017, thị trường trà sữa Việt Nam bùng nổ với 100 thương hiệu lớn nhỏ xuất hiện và trên 1.500 điểm bán.

Có thể dễ dàng kể tên đến một số thương hiệu trà sữa nổi tiếng như Ding Tea, Gong Cha, Toco Toco, Bobapop,... và hầu hết thương hiệu trà sữa này đều đến từ Đài Loan, nơi được xem là nguồn gốc của đồ uống này.

Lý do vì sao những thương hiệu trà sữa đình đám đều đến từ Đài Loan - Ảnh 1.

Thị trường trà sữa ở Việt Nam tràn ngập các thương hiệu đến từ Đài Loan. (Ảnh: Vượng Phát).

Trà sữa trân châu bắt nguồn từ đâu?

Để tìm câu trả lời, chúng ta sẽ tìm về nguồn gốc của thức uống quen thuộc này. Trà sữa trân châu hay tên tiếng Anh là "bubble milk tea", được pha chế từ trà cùng với sữa, lắc đều với đá lạnh tạo nên một lớp bọt bong bóng phía trên bề mặt. 

Trà sữa đầu tiên được cho là sáng kiến của một người pha chế Đài Loan vào thập niên 50. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, khái niệm trà sữa trân châu được phổ biến hơn khi một chủ tiệm trà ở Đài Loan đã nghĩ ra cách cho thêm những hạt trân châu vào để tăng thêm độ thu hút với thức uống này. 

Rất nhanh chóng, trà sữa trân châu đã trở thành một hiện tượng vào thời điểm đó ở Đài Loan. 

Tạo thành "cơn nghiện" càn quét thế giới

Theo CNN, số liệu vào năm 2020 cho biết ngành công nghiệp trà sữa trân châu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng gần 2 tỷ USD lên 4,3 tỷ USD trong năm 2027. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, chỉ trong năm 2018, thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng trung bình khu vực lên tới 3.000%.

Theo thống kê dữ liệu của Grabfood, trung bình mỗi người dân Đông Nam Á tiêu thụ khoảng 4 cốc trà sữa trân châu/tháng. Thái Lan xếp vị thứ đầu tiên với tỷ lệ 6 cốc/người/tháng, theo sau đó là Philippines 4 cốc và Malaysia, Singapore, Việt Nam và Indonesia với tỷ lệ 3 cốc/người/tháng.

Làn sóng mang tên "Trà sữa trân châu" đến từ Đài Loan càn quét từ Á sang tới tận Âu - Mỹ - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng của trà sữa tại các quốc gia Đông Nam Á theo số liệu năm 2018 của Grab. (Ảnh: Vượng Phát).

Trước đó, vào thập niên 90, cùng với làn sóng nhập cư của người Hoa đến Mỹ, trà sữa trân châu Đài Loan cũng đã tạo nên một cơn sốt tại thị trường phía bên kia Đại Tây Dương nhưng sau đó dần hạ nhiệt vào những năm 2000. 

Ở thị trường châu Âu, trà sữa cũng đã bắt đầu du nhập mạnh. Tại Đức, cửa hàng McDonald's đã thêm món đồ uống này vào thực đơn của họ từ năm 2012, theo CNN.

Lý do vì sao những thương hiệu trà sữa đình đám đều đến từ Đài Loan - Ảnh 2.

Cựu ngoại trưởng Mỹ bà Hilary Clinton cũng là một fan của trà sữa trân châu. (Ảnh: Getty Image).

Song hành với làn sóng Đài Loan đầu những năm 2000 tại Châu Á, trà sữa trân châu cũng bắt đầu len lỏi đến từng con phố tại những đô thị lớn của châu lục lớn nhất thế giới. Bắt đầu từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, Hong Kong... và cả Việt Nam.

Lý do vì sao những thương hiệu trà sữa đình đám đều đến từ Đài Loan - Ảnh 3.

Ảnh: ASEAN Post/Việt hóa: Vượng Phát

Năm 2018, từ khóa "trà sữa trân châu" nằm vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng Buzzword tại Nhật Bản. Thậm chí, trà sữa trân châu còn đánh bại cả nhóm nhạc nổi tiếng Nogizaka46 để xếp vị trí thứ 22 trong danh sách những thương hiệu có ảnh hưởng tới ngành thương mại Nhật Bản - BEST30 năm 2018. 

Trân châu từng du nhập vào Nhật Bản từ thập niên 90 và ở thời điểm đó, đây là đồ ăn kèm nước dừa. Mãi đến những năm 2000, khái niệm trà sữa trân châu mới thực sự nở rộ tại Nhật Bản và bắt đầu tạo thành xu hướng mới, giới trẻ Nhật Bản thi nhau đăng tải những bức hình cùng với ly trà sữa trên các nền tảng mạng xã hội. 

"Món đồ uống này được xem như là một phụ kiện trên Instagram, khi bạn đăng ảnh kèm với trà sữa thì bức ảnh sẽ trông ổn hơn rất nhiều.", Megumi Ushikubo, nhà phân tích xu hướng kiêm giám đốc đại diện công ty Infinity giải thích trên tờ Kyodo News.

Làn sóng mang tên "Trà sữa trân châu" đến từ Đài Loan càn quét từ Á sang tới tận Âu - Mỹ - Ảnh 5.

Trà sữa trân châu không chỉ còn là đồ uống, chúng trở công cụ giúp người dân Nhật Bản "sống ảo". (Ảnh: Japan Times).

Tại Việt Nam, trà sữa trân châu bắt đầu du nhập từ những năm đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, phong trào trà sữa chỉ thực sự bùng nổ sau năm 2012 với sự xuất hiện của những thương hiệu đình đám xứ Đài như Ding Tea, Toco Toco... 

Bên cạnh món uống chính là trà sữa trân châu, các thương hiệu trà sữa liên tục đa dạng hóa menu, thêm nhiều món mới, vị lạ nhằm thu hút khách, tăng sức cạnh tranh trong một thị trường đang quá "bội thực" thương hiệu.

Vượng Phát