|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Có nên nhân rộng mô hình 'Sandbox'?

19:21 | 05/08/2019
Chia sẻ
"Sandbox" đang được kỳ vọng sẽ là khung pháp lý để thử nghiệm các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Tuy nhiên, những bất cập xung quanh mô hình này vẫn khiến nhiều người nghi ngại.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT đang thúc đẩy để quý 3 năm nay sẽ thực hiện xong khung pháp lý về "Sandbox" trình Chính phủ, để thử nghiệm các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới.

Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Ths Nguyễn Phan Anh, Giảng viên Đại học Thương mại.

-Chính phủ quyết định dùng "Sandbox" để thử nghiệm các mô hình kinh tế mới, cá nhân ông đánh giá quyết định này như thế nào?

Ý kiến cá nhân của tôi là rất đánh giá cao quyết định này của Chính phủ và các cơ quan Bộ có liên quan trực tiếp. Tôi cũng ủng hộ quyết định này vì đây là một trong số những quyết định mang tính đột phá và cập nhật xu hướng mới của thế giới.

Có thể nói đây cũng chính là ứng dụng “Sandbox” của Chính phủ vì "Sandbox" là khu vực được thử nghiệm những mô hình kinh tế mới, và mô hình này cũng còn khá mới mẻ, chưa nhiều quốc gia áp dụng.

Mô hình thử nghiệm "Sandbox" được đề cập tại Hoa Kỳ từ năm 2012, và được khởi xướng bởi Vương quốc Anh năm 2015, và cũng chỉ có một số quốc gia phát triển áp dụng như Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc...

-Hiện tại, Việt Nam đã có mô hình "Sandbox" đầu tiên là Quyết định số 24 của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm cho các mô hình kinh tế mới như Grab, BE… ông có đánh giá như thế nào về thử nghiệm chính sách này?

Đây cũng là một quyết định rất kịp thời, đúng lúc và theo yêu cầu thực tế của thị trường – khi mà Uber, Grab đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam rất mạnh mẽ. 

Chính vì có quyết định này nên mới có dịch vụ gọi xe trực tuyến rất phát triển tại Việt Nam như hiện nay, giúp cho khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn mới, người lao động có thêm nhiều việc mới, thị trường thêm cạnh tranh từ mô hình mới.

Có nên nhân rộng mô hình 'Sandbox'? - Ảnh 1.

Dự kiến quý 3/2019, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ khung pháp lý về Sandbox.

-Nhưng sau một thời gian dài thử nghiệm, Việt Nam dường như vẫn chưa thể quản lý và định danh được các mô hình kinh doanh mới. Vậy chúng ta có nên nhân rộng mô hình "Sandbox" sang các lĩnh vực khác không, thưa ông?

Đúng là sau hơn ba năm thử nghiệm Việt Nam vẫn tỏ ra lúng túng trong việc quản lý các mô hình kinh tế mới như Grab, Go-Viet, Uber… nhưng "Sandbox" có thể giúp Việt Nam đánh giá toàn diện những lợi ích cũng như thách thức mà các mô hình kinh tế mới này mang lại nên tôi cho rằng chúng ta vẫn nên tiếp tục nhân rộng "Sandbox" trong các lĩnh vực khác như du lịch, truyền hình…

-Là người nghiên cứu các mô hình "Sandbox" trên thế giới, theo ông, đâu là những thành công cũng như hạn chế mà "Sandbox" mang lại cho các quốc gia?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ưu điểm của mô hình "Sandbox" là cho phép các mô hình kinh tế mới của nền kinh tế, điển hình là các mô hình liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech), lĩnh vực năng lượng sạch, tái chế rác thải, chăm sóc sức khỏe thông minh, bảo mật thông tin, nền kinh tế chia sẻ… có thể được áp dụng vào trong nền kinh tế một cách đơn giản, nhanh chóng và thử nghiệm thực tế thông qua các quy định pháp luật đặc thù.

Đây là điều rất tốt cho các mô hình kinh doanh mới, bản thân các doanh nghiệp cũng lúng túng chưa biết phải tiếp cận thị trường ra sao, chính phủ sẽ quản lý như thế nào, thì tất cả có thể vào "Sandbox" để được thử nghiệm.

Điều này sẽ thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy năng lực sáng tạo, thu hút được thêm nhiều vốn đầu tư quốc tế, thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước...

Tuy nhiên, "Sandbox" cũng mang lại khá nhiều rủi ro:

Thứ nhất: Là nguy cơ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa mô hình cũ đã có trên thị trường và mô hình mới nằm trong vùng quản lý "Sandbox".

Thứ hai: Có thể có sự hạn chế về số lượng doanh nghiệp tham gia thử nghiệm "Sandbox" hoặc có sự hạn chế về lĩnh vực tham gia thử nghiệm "Sandbox", do các quy định của "Sandbox" hiện tại hoặc có thể do chính năng lực quản lý của Chính phủ với chính "Sandbox" mà mình đề ra.

Thứ ba: Một số mô hình được tham gia thử nghiệm "Sandbox" có thể bị thất bại, và nếu bị thất bại, điều này có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý hoặc hành vi, hoặc lòng tin của người tiêu dùng trong lĩnh vực cụ thể đang áp dụng thử nghiệm trong "Sandbox".

Thứ tư: Một số các rủi ro khác như rủi ro về thay đổi chính sách, rủi ro về tài chính khi các doanh nghiệp cùng thử nghiệm nhiều mô hình mới và tạo ra sự lãng phí lớn trong xã hội.

-Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ các "Sandbox" trên thế giới, thưa ông?

Theo tôi, Việt Nam nên học hỏi từ các mô hình "Sandbox" một cách cụ thể, chi tiết và tham khảo rộng rãi nhiều quốc gia đang áp dụng mô hình này. 

Từ đó, Việt Nam có thể lựa chọn cho mình khung pháp lý và các điều kiện cụ thể được áp dụng cho "Sandbox" tại Việt Nam; và nên mở rộng các lĩnh vực được áp dụng, thay vì chỉ bó hẹp trong một hoặc một số ít lĩnh vực cụ thể. Việc học hỏi là quan trọng và cần thiết, vì lĩnh vực mới, chúng ta là người đi sau, kém hiểu biết hơn các quốc gia phát triển khác.

Theo đúng tinh thần và mục tiêu của khung pháp lý mô hình "Sandbox", nếu phù hợp về một số tiêu chí ví dụ như đối tượng, mô hình, lĩnh vực, năng lực tài chính, khả năng mở rộng thị trường… thì sớm cho vào vườn ươm "Sandbox" để thử nghiệm và phát triển mô hình kinh doanh. 

Đồng thời đánh giá sự thành công hoặc thất bại của mô hình để nhanh chóng và chuẩn chỉ cho mô hình thử nghiệm đó vào thị trường thực tế, nhằm thúc đẩy đổi mới, phát triển, cạnh tranh cho thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.