|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dự kiến quý 3/2019, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ khung pháp lý về Sandbox

22:23 | 24/07/2019
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT đang thúc đẩy để quý 3 năm nay sẽ thực hiện xong khung pháp lý về Sandbox trình Chính phủ, để thử nghiệm các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới.

Thông tin trên được Bộ TT&TT chia sẻ tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự chương trình “Khởi nghiệp công nghệ” của VTV ngày 22/7. 

Đại diện startup triptour trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch muốn quản lý dưới dạng một công ty du lịch nhưng triptour là một ứng dụng công nghệ giúp kết nối các công ty du lịch. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới đang vào giai đoạn chuyển đổi số,  lần đầu tiên trong lịch sử loài người chuyển từ thế giới thực sang ảo, trong đó thách thức lớn nhất là xử lý những mối quan hệ mới. 

Câu chuyện Triptour đó là việc làm du lịch mà không phải du lịch, tôi không làm du lịch nhưng nó lại là du lịch. Tương tự Grab, cũng là taxi vì đều giải quyết vấn đề vận tải nhưng cách làm của Grab lại không giống với taxi truyền thống. Ngay cả cơ quan quản lý cũng đang có những tranh luận suốt 4-5 năm nay. 

Trên thế giới, sau khi cãi nhau một thời gian thì quyết định áp dụng Sandbox (thử nghiệm chính sách một cách có giới hạn). “Tư tưởng áp dụng Sandbox là tốt nhưng với không gian và thời gian hữu hạn, không kéo dài quá lâu”, Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Dự kiến quý 3/2019, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ khung pháp lý về Sandbox - Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tư tưởng áp dụng Sandbox để thử nghiệm những dịch vụ, sản phẩm mới là tốt nhưng cần thực hiện với không gian và thời gian hữu hạn, không kéo dài quá lâu

Cụ thể, ở Việt Nam, Chính phủ cho rằng cách tiếp cận đó là tốt nhất và đã giao Bộ TT&TT xây dựng khung pháp lý về Sandbox. “Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy để quý 3 thực hiện xong để trình Chính phủ vì sớm ngày nào tốt ngày đó cho các doanh nghiệp”, Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.

Trước đó, trong chia sẻ tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của ngành TT&TT, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cho biết, trong dự thảo Đề án phát triển Việt Nam số - Digital Vietnam, cơ quan này đề xuất tầm nhìn của chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2030 là “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số”. 

Trong đó, cuộc cách mạng chuyển đổi số này chính là một cuộc cách mạng về thể chế. Nếu chúng ta không làm tốt môi trường pháp lý, sẽ không thể chuyển đổi số thành công. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể thay đổi nhanh các Luật, Nghị định. Do đó, giải pháp trước mắt là giải pháp Sandbox để thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm, dịch vụ mới.

TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp chia sẻ tại hội thảo cấp quốc gia "Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam" cũng cho rằng, Sandbox cần phải được xây dựng và triển khai áp dụng với quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, khung pháp lý Sandbox phải có "không gian và thời gian được xác định rõ ràng" vì "thử nghiệm thất bại có thể xảy ra". Nhưng việc áp dụng cơ chế thử nghiệm trong phạm vi hạn chế - Sandbox này cho từng lĩnh vực và trong điều kiện nhất định phải được thực hiện khi phân tích từng tình huống chính sách cụ thể.

Bình luận với ICTnews về cơ chế Sandbox, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho rằng, hiện có nhiều lĩnh vực kinh doanh truyền thống phải đưa công nghệ vào để thay đổi phương thức kinh doanh hiệu quả hơn. 

Thế nhưng, nếu áp dụng quản lý thông thường với những mô hình này thì không quản lý được bởi chính sách thường chậm hơn thực tiễn. Chúng ta không thể đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chính sách cho tương lai vì thực sự đây là vấn đề khó. 

Thế nhưng, nhiều nước đưa ra chính sách sandbox để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển những mô hình mới, nhưng giới hạn khu vực triển khai. Đây chính là doanh nghiệp được triển khai cái gì mà nhà nước không cấm. 

Sandbox là chính sách đúng theo tư tưởng doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm chứ không thể cứ áp vấn đề cấp phép xin phép sẽ làm mất cơ hội phát triển của doanh nghiệp. Để xây dựng chính phủ kiến tạo cần phải bỏ tư tưởng cái gì nhà nước cho làm mới được làm

Chủ tịch kiêm CEO Công ty Got It Trần Việt Hùng cũng nhận định, nếu cơ chế Sandbox được thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sẽ giúp rất nhiều cho sự phát triển các startup công nghệ của Việt Nam.

Nguyễn Khiêm