|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội ngành dệt may Việt Nam thâm nhập thị trường Ấn Độ

19:12 | 05/04/2020
Chia sẻ
Kể từ năm 2014, Chính phủ hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã coi ngành hàng dệt may là một trong những ngành hàng chiến lược mà hai nước có thể tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại song phương.

Doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng dệt may tại Ấn Độ

Từ ngày 20/1 - 22/1, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham dự và tìm kiếm nguồn hàng nguyên phụ liệu dệt may tại Hội chợ Dệt may quốc tế Ấn Độ lần thứ 64 (IIGF) diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Pragati Maidan, thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hai nước đã tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các buổi giao thương, gặp gỡ người bán - người mua, song kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.

Trong năm 2019, Ấn Độ nhập khẩu dệt may và nguyên phụ liệu xơ sợi khoảng 7,6 tỉ USD nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ vào khoảng 450 triệu USD (chiếm khoảng 6% tổng giá trị nhập khẩu của ngành may Ấn Độ). 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ các sản phẩm dệt may, nguyên phụ liệu và bông cũng đạt khoảng 450 triệu USD, chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam khoảng 30 tỉ USD.

Tổng qui mô của ngành dệt may Ấn Độ đạt khoảng 140 tỉ USD với thị trường nội địa 100 tỉ USD và xuất khẩu trị giá 40 tỉ USD sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Ấn Độ trong thời gian tới. 

Đồng thời, với qui mô tổng thể của ngành dệt may Việt Nam vào khoảng 45 tỉ USD, trong đó xuất khẩu năm 2019 dự kiến khoảng 39,5 tỉ USD và tiêu thụ nội địa ở mức 4,5 tỉ USD; cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may như bôngsợi, hàng may sẵn và vải.

Tại kì hội chợ diễn ra hồi tháng 1, các doanh nghiệp của Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi và kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác với một số đối tác của Ấn Độ trong lĩnh vực vải Kaki, vải thô, vải phục vụ ngành bảo hộ lao động và thời trang trẻ em.

Dệt may tại Hội chợ Dệt may quốc tế Ấn Độ do Hiệp hội Triển lãm Dệt may quốc tế và Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu Dệt may Ấn Độ phối hợp tổ chức 1 năm 2 lần vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm, dưới sự bảo trợ của Bộ Dệt may Ấn Độ. 

Hội chợ lần này có sự tham dự của gần 1000 công ty, doanh nghiệp quốc tế và Ấn Độ tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, trang thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu, phụ kiện may mặc. 

Đây là hội chợ chuyên ngành dệt may lớn của Ấn Độ, và được bình chọn là một trong những Hội chợ về dệt may lớn nhất trong khu vực.

Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi Ấn Độ tạm thời đóng cửa vì COVID-19

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm hạn chế những rủi ro do COVID-19 gây ra, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện toàn dân “cách li xã hội”; đóng cửa mọi hoạt động trong 21 ngày. 

Do vậy, hoạt động thông quan hàng hóa sẽ bị gián đoạn. Để không gặp rủi ro, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ tạm thời không chấp nhận các điều khoản thanh toán bất lợi như D/A; D/P trả chậm, hoặc cho khách hàng nợ tiền hàng, ưu tiên áp dụng L/C trả trước, không hủy ngay. 

Tạm thời không làm thủ tục xuất khẩu đối với hàng hóa có thể đến cảng của Ấn Độ trước ngày 15/4. Hiện các ngân hàng ở Ấn Độ đã cắt giảm thời gian làm việc xuống còn 2 giờ/ngày, do vậy thời gian thanh toán cũng chậm hơn thường lệ. 

Theo đó, cần rà soát lại các hợp đồng mua bán đã kí kết, trong trường hợp thấy bất lợi cần yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng, bổ sung thêm các điều khoản về bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. 

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu tạm thời không đặt cọc, trả trước cho người bán do các nhà máy không sản xuất đồ thiết yếu cũng phải tạm thời đóng cửa, hiện Ấn Độ đã cấm xuất khẩu một số sản phẩm thuốc, biệt dược có thể điều trị cảm cúm, sốt rét. 

Đồng thời kiểm tra kĩ hồ sơ, giấy tờ trước khi thanh toán, tránh trường hợp doanh nghiệp giả mạo giấy tờ, chữ kí để hoàn thiện thủ tục thanh toán, thường xuyên liên hệ với người mua để cập nhật thông tin về tình trạng sản xuất, khả năng cung cấp hàng hóa, rà soát lại các hợp đồng mua bán và thông báo cho các khách hàng, các công trình về nguồn hàng, khả năng cung cấp, thời hạn giao hàng…

Phùng Nguyệt