Kín đơn hàng, một số doanh nghiệp dệt may tăng lương, thêm thưởng để tuyển lao động
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do sự dịch chuyển lao động, ngành dệt may đang thiếu khoảng 500.000 lao động. Vì vậy, cùng với việc đa dạng nguồn tuyển, các doanh nghiệp còn tăng lương, tăng thưởng để có thể thu hút được thêm lao động mới.
Nhiều chính sách thu hút lao động
Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu và Nga, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong nửa đầu năm 2024. Theo đó, tổng doanh thu 6 tháng của doanh nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023
“Cho đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có nhiều đơn đặt hàng đến thế tháng 10. Cả năm chúng tôi đã phấn đấu đạt tăng trưởng khoảng 8%”, ông Trịnh kỳ vọng.
Với tín hiệu tích cực từ các đơn hàng, ông Trịnh cho biết, doanh nghiệp liên tục tập trung tuyển dụng lao động không giới hạn số lượng thông qua các trang thông tin tuyển dụng và các nhóm tìm việc lao động phổ thông.
Tuy vậy, ông Trịnh cho biết, số lao động đến tuyển dụng rất ít do phần lớn các ngành đều phục hồi và có nhu cầu tuyển dụng cao. Vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận người chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo sau khi trúng tuyển và có nhiều khoản hỗ trợ hấp dẫn cho lao động mới trong tháng đầu tiên đi làm.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới trong 6 tháng đầu năm đạt trên 16,52 tỷ USD, tăng 5,04% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện Việt Nam đang nằm trong top ba quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới khi đã xuất khẩu 36 mặt hàng dệt may sang 104 thị trường. Trong đó, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
Tương tự, ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty May Tinh Lợi cũng cho biết, dự kiến lượng đơn hàng sẽ tăng trưởng khoảng 30 - 40% nên doanh nghiệp đã liên tục đăng tuyển công nhân may và công nhân phụ trợ nhằm tăng năng lực sản xuất.
Ngoài tăng lương cơ bản từ ngày 1/4 trước thời gian quy định của Chính phủ ba tháng và tăng thưởng theo năng suất cho người lao động để làm sao để kích thích người lao động làm việc chăm chỉ và đạt hiệu suất cao hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng mức hỗ trợ cho công nhân mới vào để đảm bảo họ có đủ thu nhập trong nhất là 6 tháng đầu khi vào làm việc.
Song, ông Hưng cũng cho biết, do nhu cầu tăng ở nhiều ngành lĩnh vực khác nhau khiến thị trường tuyển dụng lao động ngày càng cạnh tranh. Vì vậy, ngoài chính sách tốt, doanh nghiệp phải đi các tỉnh xa để tìm kiếm người lao động.
“Thậm chí, tăng mức thưởng cho người giới thiệu lao động và cho công nhân mới để có thể thu hút được thêm lao động mới”, ông Hưng chia sẻ.
Nhìn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, do sự dịch chuyển lao động, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị nào giảm ít nhất cũng mất 6%, nơi giảm nhiều từ 18% - 20% lao động nghỉ việc.
Hiện các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu khoảng 500.000 lao động. Trong đó, tập trung vào lao động có tay nghề, lao động cấp trung, quản lý, thiết kế sản phẩm…
“Trong khi đó, để một dây chuyền sản xuất đã ổn định, bây giờ phải tuyển công nhân mới vào thì phải đào tạo tối thiểu 6 tháng đến 1 năm mới làm được việc”, ông Giang nêu rõ.
Cần những chính sách để người lao động yên tâm làm việc
Theo ông Giang, trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang có sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.
Đến nay, đơn hàng bắt đầu ổn định, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 10 và 11/2024. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD. Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lực lượng lao động.
Do đó, ngoài việc các doanh nghiệp có chiến lược dài hạn hơn trong việc quản lý nguồn nhân lực và các chính sách đãi ngộ tốt để giữ chân người lao động, đại diện Hiệp hội Dệt may kiến nghị, Nhà nước đã có chính sách 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực thi chính sách này để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp ở các khu công nghiệp hoặc một vùng sản xuất, tránh tình trạng dịch chuyển lao động như hiện nay.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Công ty Navigos Search cũng nhấn mạnh, để thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các ngành nghề, lĩnh vực, mỗi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
"Các doanh nghiệp cần nắm bắt được tin tức kinh tế thị trường, xu hướng thị trường tuyển dụng và tâm lý của người lao động nhằm xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động hiệu quả", bà Lan nói.