|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp vẫn quan ngại về lạm phát dù đơn hàng tăng cao

16:15 | 18/07/2024
Chia sẻ
Đi cùng với mức tăng trưởng mạnh về đơn hàng là gánh nặng chi phí tăng, đặc biệt khi chi phí vận tải tăng khiến giá cả đầu vào tăng thành mức cao của hai năm khiến doanh nghiệp quan ngại về lạm phát.

90% doanh nghiệp nhận định 2024 sẽ tích cực hơn

Nền kinh tế đã có sự khởi sắc, theo đánh giá của các doanh nghiệp ở một số cuộc khảo sát gần đây. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn quan ngại về lạm phát, chi phí tăng cao.

Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của UOB đã khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, hầu hết doanh nghiệp Việt tỏ ra lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại với gần 90% quan tâm đến việc mở rộng hoạt động.

Trước đó, khảo sát của Tổng cục Thống kê (GSO) đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo cũng chỉ ra rằng trên 37% các doanh nghiệp nhận định môi trường doanh của họ trong quý II năm nay tốt hơn so với quý I, trên 41% nhận định rằng tình hình kinh doanh ổn định và chỉ 21% doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh khó khăn hơn.

Ông Đào Ngọc Thắng, Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp, Khối Ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, chỉ ra ba động lực quan trọng của nền kinh tế là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Riêng về xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu Việt Nam đã đạt trên 190 tỷ và đạt mức tăng trưởng 14,5% so với cùng với năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo phục hồi còn xuất khẩu nông nghiệp, nông sản tăng trưởng rất là tốt so với cùng kỳ với năm ngoái lên tới 19%.

Đặc biệt, xuất khẩu nông sản sang các thị trường quan trọng như là Trung Quốc, Mỹ hay Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng mạnh. Ví dụ như, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Thứ hai, đó là việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Việt Nam vẫn duy trì được vị thế là một trong những nước thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và mức đầu tư tính đến ngày 20/6 năm nay tăng trưởng 13,1% so với cùng với năm ngoái. 

Những lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào Việt Nam hiện tại vẫn là bất động sản và sản xuất. Đây cũng là lý do Chính phủ phải đưa ra những chính sách đặc thù để thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Yếu tố cuối cùng là tiêu dùng, mặc dù so với những mức tăng trưởng trước đây thì có chậm hơn một chút. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong những nước được đánh giá là một thị trường tiêu dụng rất có tiềm năng. Thậm chí Việt Nam còn có khả năng trở thành một trong những thị trường tiêu dụng lớn thứ 10 trên thế giới vào năm 2030.

Khi kinh tế Việt Nam dần hồi phục với điểm sáng là triển vọng dài hạn của FDI, thương mại tươi sáng hơn thì chắc chắn tiêu dùng cũng sẽ dần hồi phục. Cùng với đó là các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đạt tăng trưởng tích cực. 

Doanh nghiệp vẫn lo ngại với lạm phát

6 tháng đầu năm của năm 2024 cho thấy sự phục hồi cũng tương đối rõ nét của cả ba động lực kinh tế song theo đánh giá của nhiều chuyên gia vấn cần rất cẩn trọng với lạm phát.

Ông Nguyễn Minh Cường - Tư vấn quốc tế, Vụ Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc,cho biết cỗ xe "tam mã" xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư đã đạt những bước tăng trưởng rất rõ ràng tuy nhiênvẫn còn những "điểm tối" trong bức tranh chung với những rủi ro, thách thức.

Như trong mảng tiêu dùng đã có sự phục hồi nhất định và tăng trưởng 8,6% trong 6 tháng đầu năm nhưng nếu so sánh với các năm trước như năm 2022, tăng trưởng tiêu dùng lên tới gần 20%, thì con số của năm nay vẫn cách rất xa.

Ông cũng chỉ ra một thách thức rất lớn của nền kinh tế Việt Nam là sức khoẻ của khu vực doanh nghiệp bị tổn thương sau hàng loạt tác động tiêu cực như nợ xấu, nợ đáo hạn trái phiếu, đồng thời hệ thống ngân hàng cũng đang bị nợ xấu nội bảng 5%, chất lượng tài sản giảm.

"Tăng trưởng tín dụng cũng chưa đạt được mục tiêu, câu chuyện lạm phát cũng đã có xu hướng trở lại. Một khi lạm phát quay trở lại sẽ lập tức đánh bay những thành quả của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm", chuyên gia Nguyễn Minh Cường cảnh báo.

Ông Nguyễn Minh Cường - Tư vấn quốc tế, Vụ Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc. (Ảnh: NVCC). 

Trên thực tế, các con số thống kê chỉ ra rằng mặt bằng chung sức khoẻ của các doanh nghiệp Việt Nam đã được ổn định và có dấu hiệu cải thiện so với năm 2023. Theo báo cáo PMI của S&P Global, lượng đơn hàng mới đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022. PMI tháng 6 bật tăng lên 54,7 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, đi cùng với mức tăng trưởng mạnh là gánh nặng chi phí tăng, đặc biệt khi chi phí vận tải tăng khiến giá cả đầu vào tăng lên mức cao của hai năm khiến doanh nghiệp quan ngại về lạm phát. Năm 2023, khi lạm phát cao, giá cả hàng hóa bất ổn và sự phục hồi sau suy thoái kinh tế đã tác động đến không nhỏ đến doanh nghiệp.

"Lạm phát cao cũng khiến chi phí cung ứng của gần 50% doanh nghiệp tại Việt Nam tăng cao trong năm 2023, trở thành thách thức hàng đầu trong việc quản lý chuỗi cung ứng bên cạnh những thách thức từ việc mua sắm vật tư, nguyên liệu thô", các chuyên gia UOB đánh giá.

 Biến động chỉ số CPI giai đoạn 2018 - nay. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ GSO).

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Cường, trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục những biện pháp kích cầu, tài khoá, cải cách thể chế rất quan trọng để có thể phục hồi dần những động lực của kinh tế và tránh để nó tiếp tục bị bào mòn trong thời gian tới.

Hạ An

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.