|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

UOB: Lãi suất nhích tăng, VND sẽ mạnh dần lên trong nửa cuối năm

10:46 | 17/07/2024
Chia sẻ
Các chuyên gia của UOB cho rằng VND sẽ mạnh dần so với USD lên 25.200 trong quý III/2024, 25.000 trong quý IV, 24.800 trong quý I/2025 và 24.600 trong quý II/2025. Ngoài ra, UOB cũng dự báo lãi suất huy động có thể nhích thêm 0,25 đến 0,75 điểm %.

VND khả năng mạnh dần lên trong nửa cuối năm

Nhận xét về diễn biến VND trong nửa đầu năm, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, nói: “Diễn biến này hoàn toàn nằm trong xu thế chung của hầu như toàn bộ các đồng tiền Châu Á và các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển vốn liên kết chặt chẽ với sức khỏe đồng USD …”. 

Theo thống kê của UOB, trong 6 tháng qua, yen Nhật đã mất giá 14%, won Hàn Quốc giảm 7%, các đồng tiền của Thái Lan, Indonesia, Đài Loan và Philippines cũng mất giá khoảng 6% so với USD. 

Ông Quang đánh giá áp lực từ USD sẽ tiếp tục là bài toán khó cho cơ quan quản lý của các nước cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng rằng nền kinh tế Mỹ cần các đợt cắt giảm lãi suất liên tục. UOB duy trì quan điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất USD, mỗi lần 0,25 điểm % vào tháng 9 và tháng 12 năm 2024. 

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB. (Ảnh: UOB).

Dự báo về xu hướng của tỷ giá VND so với USD trong thời gian tới, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, cho biết “Với dự đoán của chúng tôi về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 năm nay, chúng tôi thấy khả năng USD sẽ giảm giá trong nửa cuối năm”. 

“Quan điểm của chúng tôi là VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của CNY và sự suy yếu của USD trên khi Fed cắt giảm lãi suất”, ông nói thêm. 

“Chúng tôi kỳ vọng VND sẽ mạnh dần so với USD lên 25.200 trong quý III/2024, 25.000 trong quý IV, 24.800 trong quý I/2025 và 24.600 trong quý II/2025”, chuyên gia dự báo. 

Trước những biến động tỷ giá trên, ông Suan Teck Kin cho rằng doanh nghiệp nên có kế hoạch hợp lý, cân đối trong việc nắm giữ cả ngoại tệ và nội tệ: “Đối với doanh nghiệp có rủi ro về ngoại hối (do xuất khẩu, nhập khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài), cần có chính sách phòng ngừa rủi ro phù hợp […] để bảo vệ vị thế tài chính”. 

Ngoài phòng ngừa rủi ro, ông cho rằng doanh nghiệp có thể duy trì sự cân bằng, lập kế hoạch hợp lý về dòng tiền và mức độ nắm giữ cả ngoại hối và nội tệ. 

“Việc nắm giữ quá nhiều ngoại tệ có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ nhưng ngược lại cũng có thể thu được lợi nhuận. Đồng thời, cần có nội tệ để trả cho các nhà cung cấp địa phương, tiền lương, tiền thuê nhà, thuế, …”, ông nhấn mạnh. 

Ngân hàng nhà nước sẽ giữ lãi suất ổn định

Theo ông Suan Teck Kin, sự suy yếu gần đây của VND và lạm phát đi lên có thể khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thận trọng mọi thay đổi về lãi suất chính sách. Ngoài ra, do đà tăng trưởng có thể chậm lại trong nửa cuối năm 2024, UOB tin rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%.

 

Về câu chuyện tín dụng, ông Suan Teck Kin cho rằng sau mức tăng trưởng GDP yếu và thương mại quốc tế sụt giảm đáng kể vào năm 2023, không có gì ngạc nhiên khi doanh nghiệp và cả người tiêu dùng có thể ngần ngại vay vốn để đầu tư và chi tiêu do triển vọng không chắc chắn.

Ông cho rằng dữ liệu kinh tế cải thiện trong nửa đầu năm có thể thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đi vay nhiều hơn. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh. 

Theo UOB, ngoài các biện pháp giảm lãi suất, Chính phủ nên tăng cường triển khai các công cụ: đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư dài hạn khác như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, … trên toàn quốc để nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của đất nước, doanh nghiệp và người dân.

“Các biện pháp phi lãi suất hỗ trợ kinh tế rất đa dạng, chẳng hạn như giảm thuế, phí, kích cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cải cách hành chính, pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các biện pháp tập trung nâng cao năng suất lao động có thể mang tính cốt lõi và bền vững để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Đinh Đức Quang nhận định thêm.

Lãi suất huy động có thể nhích thêm 0,25 đến 0,75 điểm %

Từ đầu quý II, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng; và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 đến 1 điểm % cho các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng đi lên. 

Lãi suất thị trường mở, lãi suất phát hành tín phiếu cũng được chiều chỉnh cao hơn, còn lãi suất lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động ngắn hạn vẫn được giữ nguyên. Từ những diễn biến trên, ông Đinh Đức Quang cho rằng chưa có sự thay đổi chính sách tiền tệ từ NHNN trong thời gian qua. 

“Những mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…”, chuyên gia cho biết thêm. 

“Từ quý II/2024, tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt, và do vậy mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới.”, ông Quang nhận định.

Theo dữ liệu từ WiChart, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng lớn đang trong khoảng từ 4,7 - 4,8%/năm, còn nhóm ngân hàng còn lại ở mức gần 5,1%/năm. 

Ngoài ra, vị này cũng dự báo rằng mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25 đến 0,75 điểm % tạo ra đường cong lãi suất cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm 2024. 

Theo chuyên gia, mức lãi suất này khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024.

MInh Quang