|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường dệt may gia dụng Hàn Quốc có tiềm năng gì?

07:34 | 01/04/2020
Chia sẻ
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc tổng hợp, tổng qui mô thị trường hàng dệt may gia dụng Hàn Quốc đạt sản lượng ước tính trị giá 326 triệu USD.
Thị trường dệt may gia dụng Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: mayxkninhbinh)

Mặt hàng dệt may gia dụng là một trong những mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang Hàn Quốc theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc tổng hợp, tổng qui mô thị trường hàng dệt may gia dụng Hàn Quốc đạt sản lượng ước tính trị giá 326 triệu USD. 

Các sản phẩm dùng trong nhà tắm và nhà bếp đạt 200 triệu USD, chiếm 61,4%, tiếp theo đó là các mặt hàng liên quan đến giường ngủ chiếm 36,8% tổng thị trường, đạt sản lượng 120 triệu USD và cuối cùng là các sản phẩm liên quan đến khăn trải bàn đạt 6 triệu USD, chiếm 1,8%.

Bên cạnh đó, mặt hàng dệt may gia dụng là một trong những mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang Hàn Quốc theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015.

Một số lưu ý quan trọng khi xuất khẩu sang Hàn Quốc 

1. Thủ tục nhập khẩu hàng dệt may gia dụng của Hàn Quốc

- Đơn xin chứng nhận an toàn: Trước khi thông quan, các nhà nhập khẩu hàng dệt may gia dụng cần nộp đơn yêu cầu xác nhận an toàn cho cơ quan chứng nhận an toàn và phải trải qua một cuộc kiểm tra xác nhận.

- Giấy chứng nhận an toàn tại Cơ quan kiểm tra an toàn Hàn Quốc: Sau khi vượt qua kiểm tra xác nhận an toàn, cần thông báo cho cơ quan chứng nhận an toàn.

- Tờ khai nhập khẩu: Sau khi hoàn thành các thủ tục tự xác nhận an toàn, cần nộp tờ khai nhập khẩu cho cơ quan Hải quan để làm thủ tục thông quan các mặt hàng nhập khẩu.

2. Một số yêu cầu của Hàn Quốc đối với nhập khẩu 

Xuất khẩu hàng dệt may gia dụng sang Hàn Quốc được áp dụng theo Luật Quản lí chất lượng và kiểm soát an toàn đối với các sản phẩm công nghiệp:

- Đối với sản phẩm dệt cho trẻ sơ sinh và các sản phẩm dệt tiếp xúc với da, chỉ khi các mô hình tương tự của một sản phẩm có thông báo xác nhận an toàn mới có thể được nhập khẩu. 

- Các sản phẩm dệt may gia dụng phải có nhãn hiệu chứng nhận an toàn và chất lượng.

Thông báo về các sản phẩm công nghiệp phải được xác nhận an toàn theo Điều 19 của Luật Quản lí chất lượng và kiểm soát an toàn sản phẩm công nghiệp và Điều 19 Nghị định thi hành Luật trên:

- Các nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu sản phẩm công nghiệp cần có chứng nhận an toàn sẽ được kiểm tra, giám định đối với từng mô hình sản phẩm bởi cơ quan kiểm nghiệm và thanh tra được chỉ định. Sau khi có chứng nhận sản phẩm đáp ứng tiêu chí an toàn, nhà nhập khẩu phải thông báo kết quả cho cơ quan chứng nhận an toàn. 

- Bất kì nhà nhập khẩu, nhà sản xuất nào muốn được chứng nhận an toàn cần nộp đơn cho từng sản phẩm lên cơ quan chứng nhận. Đơn xin chứng nhận cần được gửi kèm theo các tài liệu sau: photo Giấy đăng kí kinh doanh, bản miêu tả sản phẩm (kèm hình ảnh), kết quả kiểm tra an toàn được cấp bởi cơ quan kiểm tra giám định sản phẩm.

Một số cơ quan cấp chứng nhận an toàn

- Viện kiểm định môi trường và hàng hóa Hàn Quốc.  

- Viện nghiên cứu và kiểm định hóa dầu.  

- Cơ quan tiêu chuẩn và công nghệ Hàn Quốc.  

- Viện nghiên cứu và kiểm định trang phục Hàn Quốc.  

- Viện nghiên cứu và kiểm định Hàn Quốc.  

- Một số cơ quan được chỉ định bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.

3. Một số qui định dán nhãn

Ngày nay, có rất nhiều nhãn chứng nhận chất lượng liên quan đến sản phẩm dệt may gia dụng, nhưng đáng chú ý nhất là nhãn KPS, đây là nhãn chứng nhận an toàn bắt buộc. Theo Luật Quản lí chất lượng và kiểm soát an toàn sản phẩm công nghiệp, các nhà nhập khẩu có ý định nhập khẩu và phân phối các mặt hàng dệt may gia dụng cần có nhãn này. 

Để có được dán nhãn này, các nhà nhập khẩu cần tự xác nhận an toàn của các mặt hàng thông qua các nội dung kiểm tra của các cơ quan kiểm định và nộp thông báo xác nhận đó lên các cơ quan chứng nhận an toàn sản phẩm. 

Nhãn hiệu KC (chứng nhận của Hàn Quốc) sẽ được áp dụng như một nhãn hiệu chứng nhận thống nhất được yêu cầu đối với bất kì sản phẩm chứng nhận nào về sản xuất, nhập khẩu, phân phối tại thị trường. 

Thuế và các loại phí 

1. Thuế nhập khẩu

Mức thuế nhập khẩu cơ bản đối với các sản phẩm dệt may gia dụng nhập khẩu vào Hàn Quốc là 13% và 30%. 

Đối với các mặt hàng dệt gia dụng nhập khẩu từ ASEAN, các loại khăn thảm dùng trong nhà bếp và nhà vệ sinh đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 0% theo Hiệp định FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).

2. Thuế nội địa 

10% thuế giá trị gia tăng sẽ được tính trên các sản phẩm dệt may gia dụng. 

Thuế này được tính bằng cách áp dụng mức thuế suất 10% với số thuế phải nộp, bao gồm tổng giá thị trường cộng với thuế hải quan và các loại thuế nội địa như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế rượu. 

Phùng Nguyệt