Cô gái nghỉ việc ở Hàn Quốc về Việt Nam bán trà sữa
"Tôi nghĩ 10 năm là quá đủ. Cuộc sống bên Hàn Quốc hiện đại, thoải mái. Công việc ổn định, ngoại ngữ tốt và có nhiều bạn bè nhưng tôi vẫn cảm giác mình là khách ‘ở tạm’. Trong khi, Việt Nam đang phát triển mạnh, nhiều cơ hội và tôi có máu kinh doanh", Hồ Nguyên Phương Thảo nói về lý do về Nha Trang, sau 2 năm học MBA và hơn 7 năm làm việc cho Samsung tại Hàn Quốc.
Được chồng ủng hộ, cô về nước cuối năm 2016. Ngoài việc muốn thoát khỏi cuộc sống quá an toàn, Thảo sợ tuổi càng lớn thì sức ỳ sẽ càng cao, "mộng" lập nghiệp ở quê nhà khó thành. Phần nữa, con cũng sắp vào lớp 1 và cô muốn sống gần bố mẹ.
"Sau 7 năm, tôi nhận ra mình chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong một tổ chức quá lớn. Phần cũng là nỗi buồn không diễn tả được khi xa quê". Cô nói ngày đầu trở về đổ gần một tỷ đồng làm mỹ phẩm. Cô đặt hàng gia công tại Hàn Quốc cho thương hiệu riêng.
Tuy nhiên, thiếu kinh nghiệm thị trường, không tập trung vào tiếp thị và bán hàng nên dự án thất bại. "Tôi lỗ hàng trăm triệu và thấm thía câu nói 'Đừng bao giờ hỏi kinh doanh cái gì để giàu mà hãy hỏi vì sao tôi chọn kinh doanh cái này?'", Thảo nói đó cũng là lúc cô nhớ mình rất ‘nghiện’ trà sữa’.
Hồ Nguyên Phương Thảo muốn chuỗi trà sữa trung cấp sẽ đạt 42 quán trong năm nay.
Cuối năm 2017, Thảo mở cửa hàng trà sữa đầu tiên ở Nha Trang, lấy tên ilaCha. Đến nay, cô có 12 cửa hàng ở Khánh Hòa, Phú Yên, TP HCM và Đồng Nai. Một năm qua, trung bình mỗi tháng cô mở một cửa hàng và chỉ mới nhượng quyền 2 cửa hàng, phần còn lại do vốn trực tiếp của cô cùng người thân, người quen đầu tư.
Thạc sỹ bán trà sữa
"Tôi nghiền trà sữa và thấy thị trường có hai phân khúc. Trà sữa cao cấp thì quá đắt vì vị trí và tiền mua nhượng quyền nước ngoài. Trà sữa giá rẻ xe đẩy hay các quán 'nhà làm' thì bản thân mình uống không an tâm. Thế nên, tôi làm phân khúc tầm trung, giá hợp lý, nguyên liệu rõ nguồn gốc", Thảo giải thích.
Các quán của cô đều nằm ở đô thị nhỏ, đang phát triển. Ngay ở TP HCM, cô cũng né khu trung tâm mà chọn Tân Phú làm "cứ điểm". Ở các thị xã nhỏ tại Khánh Hòa hay Phú Yên, cô luôn là người đầu tiên mở cửa hàng trà sữa kiểu hiện đại, theo thị hiếu giới trẻ. Mỗi quán được cô đổ vào 400-500 triệu đồng.
"Ở thị xã, thương hiệu lớn không vào nên mình đầu tư bài bản thì chiếm thị phần rất nhanh. Tôi định vị ilaCha là ‘trà sữa quốc dân’ vì dễ uống, giá chỉ bằng một nửa thương hiệu lớn", Thảo nói giá rẻ nhờ nguồn trà từ Bảo Lộc. Trong khi trà thô Việt Nam được xuất sang Đài Loan để chế biến và nhập lại cho các hệ thống lớn thì cô tìm được nguồn cung với công nghệ ướp trà tương đương Đài Loan nhưng chỉ cách Sài Gòn tầm 200 km, giá thành tiết kiệm hơn.
Có người sẽ cho rằng MBA rồi về Việt Nam bán trà sữa thì phí công. Nhưng Thảo nói rằng, tất cả trải nghiệm trong đời, từ khi là sinh viên, làm thêm, đến vào các tập đoàn lớn đều được đóng gói thành vốn sống. Khi vốn sống đủ lớn thì nó cho ta khả năng làm được và thành công với những gì đam mê.
"Xã hội ngày xưa nghĩ rằng bán hàng, mở quán không cần bằng cấp, có tiền thì ai cũng làm được. Nhưng bây giờ khác rồi, nhất là với kinh doanh chuỗi. Rất nhiều người thành công một quán nhưng họ không biết cách nhân rộng hệ thống, tạo quy trình, đào tạo người khác", cô cho hay tất cả các quán đều đã được tự động hóa, quản lý từ xa, đơn giản và hiệu quả.
Trà sữa đang thoái trào?
Đầu năm đến giờ, Thảo đếm được hơn chục quán trà sữa ở Nha Trang phải sang nhượng hoặc đóng cửa. Diễn biến đó không khác mấy ở những thành phố lớn. Nhiều người cho rằng, trà sữa cũng sẽ có cái kết tương tự mỳ cay một thời.
"Rất nhiều quán đang sang nhượng. Năm ngoái là đỉnh điểm của đầu tư trà sữa, người ta mở quán ồ ạt. Nhưng tôi nghĩ thị trường đang sàng lọc. Ai không có mô hình đặc biệt, sản phẩm không nổi trội và tiếp thị không đến nơi đến chốn sẽ bị đào thải", cô nhận định.
Phương Thảo đưa ra ba lý do để tự tin. Thứ nhất, trà sữa sẽ là một bộ phận trong ngành F&B, phục vụ nhóm khách trẻ, không uống được cà phê mà chọn thức uống thay thế là trà sữa, trà trái cây hay đá xay. Thứ hai, sức sáng tạo của thị trường trà sữa Việt Nam rất cao, luôn có món mới để thỏa mãn khách hàng. Thứ ba, thị trường tỉnh lẻ, thị xã còn rất rộng lớn.
Không thường xuyên đến quán nhưng Thảo hay ngược xuôi vào Sài Gòn gặp nhà cung cấp để thảo luận về các nguyên liệu và công thức mới. Ở ngành trà sữa, không cập nhật món mới liên tục cũng là cách tự giết mình. Ngoài ra, cô đang từng bước biến các quán trà sữa của mình thành một điểm hẹn cho giới trẻ hơn là bán thức uống đơn thuần. Cô tổ chức các sự kiện, đêm nhạc, tích điểm thành viên đổi quà... Cô còn định làm tủ sách và đang kêu gọi giới trẻ bảo vệ môi trường bằng cách giảm giá 15% cho ai tự mang ly đến.
Về kế hoạch, cô đang đẩy mạnh hướng nhượng quyền. "Sau hai năm lập nghiệp, tư duy kinh doanh của tôi đã đổi nhiều. Một mình tôi không thể mở hết khắp tỉnh thành Việt Nam. Nhượng quyền chính là cách để san sẻ lợi nhuận. Tôi không còn nghĩ rằng bà chủ thì phải túc trực ở cửa hàng. Và tôi cũng không ngại cạnh tranh mà cứ lo làm việc của mình. Mình tốt hơn mỗi ngày là được", cô nói.
Nhiều kế hoạch và lạc quan dù ai có nói trà sữa sẽ thoái trào, hỏi định mở bao nhiêu cửa hàng mới năm nay, cô nói mục tiêu đến hết 2019 là thêm 30 quán.
"Mình đặt mục tiêu thì phải làm chính mình run sợ chứ", Thảo cười.