|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cô gái chuyển giới với mô hình quản lí homestay gọi vốn thành công 5 tỉ đồng trong Shark Tank Việt Nam

06:04 | 05/09/2019
Chia sẻ
Không để lại nhiều ấn tượng cho các nhà đầu tư khác, nhưng cô gái chuyển giới Lê Tiêu Linh vẫn thuyết phục Shark Liên rót 5 tỉ đồng.

Bước vào Shark Tank với phong thái đấy tự tin, Lê Tiêu Linh (tên khai sinh là Lê Tiểu Luân) khiến mọi người bất ngờ khi nói cô là người chuyển giới. Ngay từ giây phút đó Tiêu Linh đã thu hút sự chú ý từ Shark Liên bởi vẻ ngoài nữ tính.

Tiêu Linh điều hành một công ty khởi nghiệp mang tên Be Home. Đây là mô hình quản lí các homestay ngắn hạn và phát triển đầu tiên ở đảo Phú Quốc. Tiểu Linh đưa ra mức giá 5 tỉ đồng cho 15% cổ phần của Be Home.

Cấu trúc hoạt động của Be Home tương đối đơn giản. Tiểu Linh sẽ tìm những homestay trống và thuê. Sau đó, cô sẽ biến những căn phòng thành không gian "gia đình" đúng nghĩa.

69514219_401130480799739_7783009446531170304_n

Lê Tiêu Linh (trái) là người đồng sáng lập và điều hành Be Home. Ảnh: VTV

Theo Tiêu Linh, các khách hàng của Be Home sẽ trải nghiệm một không khí ấm cúng mà không nơi nào có. Hệ thống nhân viên sẽ coi khách hàng như chính người nhà của họ. Không gian của Be Home có kiểu bài trí như nhà ở thông thường.

Một số khách hàng trở thành bạn của nhân viên lễ tân Be Home sau khi sử dụng dịch vụ. Họ cùng đi du lịch hay thậm chí mua tặng xe máy cho nhân viên lễ tân. Thực tế này khiến Be Home tỏ ra khác biệt hơn so với việc các homestay khác trên thị trường, theo lời Tiêu Linh.

Doanh nhân Phạm Thanh Hưng phản bác mô hình của Be Home. Với kinh nghiệm môi giới bất động sản trong nhiều năm, ông nhận định việc Be Home làm trung gian khiến công ty đối mặt vô vàn rủi ro, thậm chí từ cả hai phía.

Nếu công ty đã bỏ tiền ra thuê homestay và bỏ tiền đầu tư nội thất, thuê nhân viên mà không có khách thì các nguồn lực sẽ lãng phí. Nhưng nếu có khách, công ty lại đối mặt nguy cơ chủ nhà lấy lại phòng. 

Ông Hưng cũng nhấn mạnh rằng các công ty chuyên quản lí khách sạn kiểu này thường phải kí hợp đồng dài hạn từ 10 năm trở lên. Đây cũng chính là  lí do khiến vị doanh nhân sinh năm 1975 từ chối đầu tư.

69781635_501160247107710_3585905660430123008_n

Shark Hưng từ chối đầu tư vào Be Home vì rủi rơ từ cả 2 phía. Ảnh: VTV

Nhà đầu tư Nguyễn Thanh Việt lắc đầu vì cho rằng mô hình Be Home chưa phù hợp. Ông Nguyễn Hòa Bình cũng từ chối, cho rằng Be Home vẫn cần cải thiện nhiều hơn nữa.

Bất chấp sự hoài nghi của ông Hưng, ông Bình và ông Việt, bà Đỗ Thị Kim Liên lại cảm thấy thích mô hình Be Home. Ban đầu bà Liên có ý định chỉ đầu tư theo hình thức cho vay, nhưng chuyển hướng sang đầu tư sau khi biết Be Home sẽ hướng tới các khách hàng thuộc cộng đồng chuyển giới.

Về phía ông Nguyễn Mạnh Dũng, sau khi đầu tư vào Luxstay, việc mua cổ phần của Be Home sẽ là một lợi thế rất lớn vì ông sẽ có hai doanh nghiệp nằm trong cùng một chuỗi giá trị. 

Mặc dù vậy, ông Dũng, lại không muốn sở hữu cổ phần của cả Be Home và Luxstay vì lo ngại người khác dị nghị ông "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Vì thế, ông Dũng không rót vốn vào Be Home, song vẫn sẵn sàng tư vấn cho công ty.

69991430_731261647344923_1519313731425665024_n

Bà Đỗ Thị Kim Liên chấp nhận đầu tư 5 tỉ đổi lấy 30% cổ phần Be Home. Ảnh: VTV

Là "cá mập" cuối cùng chưa lắc đầu, bà Liên đề nghị chi 5 tỉ cho 35% kèm điều khoản bắt buộc Tiểu Linh không rời startup và ở lại cho tới cùng. Nữ doanh nhân nói bà đang đầu tư vào giám đốc, vào con người của Be Home.

Bất ngờ vì bà Liên nâng tỉ lệ cổ phần, song Tiểu Linh không từ chối vì cô cần giải quyết khó khăn tài chính trước mắt. Cô đưa ra lời đề nghị cuối cùng là 5 tỉ cho 30% cổ phần và bà Liên đồng ý.

Với 5 tỉ đồng của bà Liên, Be Home sẽ đầu tư để mở rộng qui mô ra thêm 2 tỉnh, thành khác. Ngoài ra, Be Home cũng sẽ đầu tư mua đứt để sở hữu các homestay chứ không chỉ vận hành mô hình cho thuê lại.

Lê Quý