Chuyên gia từng báo trước 'cú sốc Lehman': Thị trường chứng khoán Mỹ sắp sập, xác suất rất cao
Năm 2005, trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu kích hoạt cuộc Đại Suy thoái và khiến hàng triệu người Mỹ mất nhà cửa, ông Larry McDonald đang là Phó Giám đốc của công ty dịch vụ tài chính nổi tiếng khi đó Lehman Brothers.
Là một trader trẻ, ông cùng nhiều đồng nghiệp khác đã cảnh báo lên ban lãnh đạo rằng có điều gì đó không ổn trên thị trường bất động sản giai đoạn này, theo thông tin từ tờ Fortune.
Năm 2009, ông giải thích trong một bài báo trên tờ New York Times rằng thị trường khi đó “đang sống nhờ vay mượn” và Lehman Brothers “đang hướng thẳng đến cú sốc cho vay dưới chuẩn lớn nhất từng thấy”.
Tuy nhiên, các sếp của McDonald đã phớt lờ những lời cảnh báo của ông và tổ chức tài chính 158 tuổi Lehman Brothers cuối cùng đã phá sản vào năm 2008, sau khi bong bóng thị trường nhà đất bị vỡ.
Sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra, chỉ số S&P 500 đã mất gần 50% giá trị trong thị trường gấu kéo dài 17 tháng. Thị trường gấu này phải đến tháng 3/2009 mới dừng lại.
Hiện tại, ông McDonald - biên tập viên kiêm người sáng lập của blog đầu tư The Bear Traps Report - đang cảnh báo về một vụ sụp đổ khác có nguy cơ xảy ra trên thị trường chứng khoán.
“Các chỉ số rủi ro hệ thống Lehman” mà ông phát triển sau cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn đều đang nhấp nháy tín hiệu cảnh báo. Các thước đo này bao gồm tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp, tỷ lệ bán khống trên thị trường chứng khoán và các cuộc khảo sát tâm lý nhà đầu tư,...
“21 chỉ báo rủi ro hệ thống Lehman của chúng tôi đều đang chỉ ra khả năng cao sẽ xảy ra một cú sụp mạnh trên thị trường trong 60 ngày tới - xác suất cao nhất kể từ thời COVID”, ông McDonald chia sẻ trên CNBC vào ngày 28/3.
Theo ông McDonald, các nhà đầu tư đang phớt lờ rủi ro của một “cuộc khủng hoảng tín dụng” sau sự sụp đổ bất ngờ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank cũng như thương vụ thâu tóm Credit Suisse của UBS.
Ông bày tỏ lo ngại khi nhà đầu tư tập trung quá nhiều vào sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và robotics.
“Chúng tôi đã từng thấy chuyện này trước đây với Lehman Brothers. Một cú sốc ập đến, thị trường tín dụng bắt đầu đánh giá rủi ro nhưng thị trường chứng khoán thì không”, ông bày tỏ.
“Nhà đầu tư tập trung vào AI hoặc những thứ như cuộc cách mạng dotcom những năm 1990”, ông cảnh báo.
Nhà sáng lập The Bear Traps Report đã nhắc lại những sai lầm mà các nhà đầu tư từng mắc phải trước khi bong bóng dotcom vỡ vụn và khiến cổ phiếu lao dốc vào năm 2001.
Ông lưu ý rằng ngay cả khi Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) can thiệp để giải cứu tất cả người gửi tiền được bảo hiểm lẫn không được bảo hiểm tại SVB và Signature Bank, các ngân hàng Mỹ vẫn đang gánh khoản lỗ chưa thực hiện hàng trăm tỷ USD.
Các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và trái phiếu Kho bạc chiếm phần lớn trong danh mục đầu tư trái phiếu của nhiều ngân hàng. Giá trị của chúng đã giảm mạnh sau các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Những thiệt hại trên đã dẫn đến tình trạng bất ổn đáng ngại tại một số nhà băng, đồng thời buộc nhiều ngân hàng khác phải thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay và chuẩn bị cho khả năng người gửi tiền ồ ạt rút tiền.
Ông McDonald cảnh báo các vấn đề của ngành ngân hàng đã bắt đầu lan sang thị trường bất động sản thương mại do hoạt động cho vay chững lại.
Theo Fortune, ông lo ngại rằng bất ổn của ngành ngân hàng có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế khi Fed tiếp tục tăng lãi suất để khống chế lạm phát.
Tin tốt là đây “không phải một sự kiện Lehman” có thể kích hoạt suy thoái kinh tế, ông McDonald nói. “Đây chỉ là một cuộc khủng hoảng tín dụng diễn ra chậm chạp, bởi Fed đang cố gắng xoay xở đằng sau cánh gà”, McDonald nhận định.
Song, ông cảnh báo rằng điều đó không có nghĩa là cổ phiếu sẽ an toàn, bởi một đợt giảm giá mạnh sắp xảy ra.