Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi lợi suất tiếp tục đi lên
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite rớt 0,45% và đóng cửa ở 11.716 điểm. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của Nasdaq. Các chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 cũng mất lần lượt 0,12% và 0,16%.
Mặt bằng lợi suất tiếp đà đi lên. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm quay lại trên ngưỡng 4%, kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3,573%.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ hiện chưa có hoặc chỉ tạo ra rất ít lợi nhuận, cần đi vay lượng lớn tiền mặt để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), trông chờ vào lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai. Khi lợi suất tăng, tỷ lệ chiết khấu dòng tiền tương lai cũng đi lên nên giá cổ phiếu công nghệ sụt giảm.
CNBC dẫn lời ông Brian Levitt, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, nhận định: “Lãi suất đã tăng hai ngày liên tiếp, và các thị trường đang được dẫn dắt bởi những nhóm cổ phiếu nhạy cảm với điều kiện kinh tế, chẳng hạn như năng lượng và công nghiệp”.
“Cổ phiếu công nghệ nằm trong nhóm tụt lại phía sau, đây là chuyện thường xảy ra khi lãi suất tăng”, ông Levitt nói thêm. “Trong lúc này, nhà đầu tư có vẻ đã không còn bận tâm với những thách thức trong hệ thống tài chính và công nhận rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục vững vàng”.
Những lo ngại về cuộc khủng hoảng tại các ngân hàng khu vực của Mỹ đã được xoa dịu, một phần là nhờ các nỗ lực của những nhà hoạch định chính sách. Nỗi sợ của nhà đầu tư về nguy cơ kinh tế suy thoái vì lãi suất cao một lần nữa trở thành trọng tâm chính.
Tuy vậy, giá cổ phiếu ngân hàng đi xuống trong phiên 28/3 sau một cuộc điều trần căng thẳng ở Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ. Ba cơ quan quản lý hàng đầu đều tuyên bố ủng hộ thắt chặt quy định đối với những ngân hàng có trên 100 tỷ USD tài sản. Cổ phiếu First Republic giảm 2,3%, Wells Fargo giảm 0,8%, Bank of America cũng đi xuống 1,3%.
Cổ phiếu hai ngân hàng sụp đổ mới đây là SVB Financial (công ty mẹ của Silicon Valley Bank) và Signature Bank bắt đầu được giao dịch trở lại trên thị trường phi tập trung. Hôm 9/3, SVB được mua bán với giá 106 USD/cp, hiện chỉ còn 0,27 USD/cp. Tương tự, cổ phiếu Signature Bank cũng rớt từ khoảng 70 USD xuống còn 0,1 USD/cp.
Hôm 17/3 vừa qua, SVB Financial đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. First Citizens BancShares đồng ý mua lại khoảng 72 tỷ USD tiền gửi tại SVB.