|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Phố Wall vẫn vững tâm trước cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ nhất kể từ năm 2008?

11:11 | 28/03/2023
Chia sẻ
Nhà đầu tư đang trông chờ các cơ quan quản lý bảo vệ ngành ngân hàng và ngăn khủng hoảng lan rộng. Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn cũng đang cung cấp bệ đỡ cho thị trường.

Nhà đầu tư trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images). 

Niềm tin của nhà đầu tư

Tính chung cả tuần vừa qua, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng điểm. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa mất tinh thần dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Bà Anastasia Amoroso, Giám đốc đầu tư tại iCapital, giải thích với tờ MarketWatch: “Đa số nhà đầu tư cho rằng các nhà quản lý sẽ can thiệp và bảo vệ ngành ngân hàng nếu cần thiết. Đây là lý do ngăn nỗi sợ lan ra những bộ phận khác trong thị trường”.

Lý do thứ hai là các nhà đầu tư dự đoán rắc rối của ngành ngân hàng sẽ buộc Fed phải ngừng chu kỳ tăng lãi suất hoặc thậm chí là cắt giảm lãi suất, sớm nhất là vào tháng 6. Đà tăng của lãi suất chấm dứt sẽ giúp loại bỏ một trong những áp lực lên định giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, giới phân tích và các nhà đầu tư cảnh báo rằng thị trường vẫn chưa phát đi tín hiệu mọi chuyển đã ổn. Tâm lý bất an lộ rộ rõ khi cổ phiếu của đại gia ngân hàng Đức Deutsche Bank cắm đầu giảm trong phiên 24/3.

Viễn cảnh khách hàng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng khu vực Mỹ là điều khiến các nhà đầu tư lo âu.

Thị trường Mỹ tuần trước liên tục biến động sau mỗi phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ về khả năng bảo hiểm tiền gửi của chính phủ.

Bà Kristina Hooper, Giám đốc đầu tư tại Invesco, nhận định: “Tiền gửi là tâm điểm của cuộc khủng hoảng lòng tin vào các nhà băng Mỹ”. Bất kỳ dấu hiệu nào ngụ ý chính phủ sẽ không bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi cũng sẽ khiến nhà đầu tư lo ngại.

Tiền gửi liên tục bị rút khỏi các ngân hàng khu vực sẽ thổi bùng lên nỗi sợ về sự sụp đổ của các nhà băng và nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn diện. Nhưng dù tình hình chưa đến mức đó, áp lực lên tiền gửi cũng dẫn đến nỗi sợ nền kinh tế Mỹ sẽ cạn kiệt tín dụng.

Thị trường vốn "đóng băng"

Lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Mỹ đã chịu áp lực đáng kể kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất quyết liệt từ khoảng một năm trước.

Ông Paul Ashworth, kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics, lưu ý rằng kể từ đó, tổng tiền gửi tại tất cả các ngân hàng nội địa của Mỹ đã giảm 663 tỷ USD, tương đương giảm 3,9%. Tiền rút ra được chuyển vào trái phiếu và các quỹ thị trường tiền tệ.

Ông viết: “Nếu các ngân hàng không chịu tăng lãi suất tiền gửi để ngăn dòng vốn chảy ra thì họ sẽ phải giảm bớt quy mô các khoản cho vay, hậu quả là hoạt động kinh tế sẽ bị kìm hãm. Đây là một trong những lý do có thể khiến suy thoái đến sớm”.

Ông Rosten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo Global Management, chỉ ra trong lưu ý gần đây rằng hoạt động trong thị trường vốn của Mỹ gần như đã đình trệ kể từ khi ngân hàng SVB sụp đổ vào ngày 10/3.

 

Theo số liệu từ Apollo Global Management, các doanh nghiệp không tổ chức bất kỳ đợt phát hành trái phiếu cấp đầu tư hay trái phiếu trả lợi suất cao nào trong hai tuần qua. Không buổi IPO nào diễn ra trên các sàn chứng khoán Mỹ, hoạt động mua bán và sáp nhập cũng chững lại.

Theo ông Slok, điều này cho thấy “về căn bản, thị trường vốn đã bị đóng băng”. Đây là một trong những tác động từ vụ sụp đổ của SVB mà các nhà đầu tư có thể chưa nhận thức rõ. Ông cảnh báo: “Thị trường vốn bị đóng cửa càng lâu, tác động lên nền kinh tế càng tiêu cực”.

Lực đỡ từ cổ phiếu công nghệ

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt tăng 1,2% và 1,4% trong tuần trước. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq cũng đi lên nhưng với mức tăng nhỉnh hơn là 1,7%.

Ông Austin Graff, nhà sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư tại Opal Capital, cho biết các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn được cho là đã đóng góp đáng kể cho sự bền bỉ của thị trường trong những ngày qua và là lựa chọn ưa thích của những nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn.

Chỉ số gồm các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn Nasdaq-100 đi lên 6% kể từ đầu tháng 3 đến hết phiên cuối tuần trước. Trong cùng giai đoạn, chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 bị cổ phiếu các ngân hàng khu vực kéo đi xuống 8,5%. Ông Graft dự đoán: “Biến động sẽ tiếp diễn bởi chúng ta đang có ít tiền chảy trong nền kinh tế hơn”.

Bà Amoroso, Giám đốc đầu tư tại iCapital, dự kiến: “Nhiều khả năng chỉ số S&P 500 sẽ bị mắc kẹt trong biên độ hẹp cho đến khi tốc độ tăng trưởng giảm mạnh hoặc lạm phát hạ nhiệt rõ rệt”.

Giám đốc Hooper của Invesco thì trông chờ vào sự chuyển biến của thị trường. Bà nói: “Khi nhà đầu tư thấy các vấn đề của ngành ngân hàng đã được giải quyết và Fed ngừng tăng lãi suất, rất có thể chúng ta sẽ thấy tâm lý trên thị trường chuyển sang ưa thích rủi ro hơn”. Nhưng bà không dám chắc khi nào thì điều này sẽ xảy ra. 

Giang