Ông Powell có thể đóng một lúc hai vai: Diệt lạm phát như Paul Volcker và cứu ngành ngân hàng như Ben Bernanke?
Một lúc hai vai
Lịch sử ghi nhớ Paul Volcker là dũng sĩ diệt lạm phát và Ben Bernanke là người chữa cháy khủng hoảng. Bây giờ, ông Jerome Powell có nguy cơ phải đóng hai vai cùng một lúc, hoặc tệ hơn nữa là phải chọn một trong hai.
Tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) của ông Powell đã tiếp tục thực hiện chính sách mà họ triển khai từ một năm trước - tăng lãi suất để khống chế lạm phát. Các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn khác cũng vậy.
Đó là những gì đã diễn ra nhìn từ bên ngoài. Còn trên thực tế, mọi thứ đã thay đổi sau khi liên tiếp nhiều ngân hàng tại Mỹ và châu Âu sụp đổ, gây chấn động khắp thị trường tài chính toàn cầu.
Chỉ vài tuần trước, mối đe doạ đối với sự ổn định của hệ thống tài chính hầu như không phải là chuyện mà các NHTW lo sợ. Bây giờ, chúng thực sự đã trở thành mối lo lớn.
Ông Powell và các đồng nghiệp nói rằng việc ngăn chặn lạm phát tái diễn như những năm 1970 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tín hiệu đang thay đổi.
Fed chỉ tăng lãi suất bằng một nửa mức dự kiến trước khi Silicon Valley Bank (SVB) cùng Signature Bank sụp đổ và UBS thâu tóm Credit Suisse.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn xúc tiến kế hoạch tăng 50 điểm cơ bản (bps), nhưng không đưa ra nhiều gợi ý về động thái sắp tới.
Các nhà đầu tư cũng đang chật vật xác định hướng đi của lãi suất. Ban đầu, họ kỳ vọng Fed “diều hâu” sẽ tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa. Sau đó, họ đoán NHTW Mỹ có thể hạ lãi suất sau vụ sụp đổ của SVB.
Trong kịch bản Goldilocks (kịch bản lý tưởng nhất), khi các nhà băng thu hẹp quy mô cho vay và củng cố bảng cân đối kế toán của chính họ, các điều kiện tài chính sẽ thắt chặt vừa đủ và giúp Fed một tay trong việc chống lạm phát.
Lúc đó, nền kinh tế sẽ hạ nhiệt theo cách mà ông Powell muốn và Fed sẽ không cần phải tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa.
Các công cụ để NHTW Mỹ kiểm soát giá cả và ngăn ngừa sự đổ vỡ trong hệ thống tài chính có thể được sử dụng một cách riêng biệt và hiệu quả hơn.
Tất cả đều rất tốt, nhưng vấn đề cốt lõi là trong các kịch bản cực đoan hơn, chính sách tiền tệ để khống chế lạm phát và các biện pháp hỗ trợ ngành ngân hàng lại thường đi ngược chiều nhau.
Để chống lạm phát, các NHTW cần tăng lãi suất và rút thanh khoản khỏi hệ thống ngân hàng. Để giải quyết các cuộc khủng hoảng mới chớm, họ phải bơm tiền vào những nhà băng đang gặp khó khăn và cắt giảm phí suất tín dụng.
Và nguy hiểm nhất là các NHTW có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện ở cả hai mặt trận, dẫn đến suy thoái kinh tế trầm trọng.
Điều đó sẽ buộc họ phải từ bỏ cuộc chiến chống lạm phát trước khi nó kết thúc, nhằm gấp rút củng cố một hệ thống tài chính đang bấp bênh.
Bà Anna Wong, kinh tế trưởng của Bloomberg Economics tại Mỹ, nhận xét: “Xuyên suốt lịch sử của Fed, đây là giai đoạn căng thẳng nhất giữa hai mục tiêu chống lạm phát và duy trì sự ổn định của thị trường tài chính”.
Để điều kiện tín dụng thắt chặt hơn và giúp hạ nhiệt lạm phát ở mức độ vừa phải, “cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ phải có một bước ngoặt lớn, tồi tệ hơn”, bà Wong cảnh báo.
Nếu thời điểm đó không đến, “thị trường sẽ phải đánh giá lại các kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed”, vị kinh tế trưởng tiếp lời.
Bà ước tính rằng căng thẳng gần đây của ngành ngân hàng tương đương với một đợt tăng lãi suất 50 bps. Một số khác đưa ra con số cao hơn, tới 150 bps.
“Khá nghiêm trọng”
SVB, ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ, không sụp đổ vì các khoản vay rủi ro cho người mua nhà. Thay vào đó, họ đã gom trái phiếu Kho bạc, một trong những tài sản an toàn nhất, và cuối cùng bị lỗ nặng, theo Bloomberg.
Chiến dịch tăng lãi suất của Fed khiến giá trái phiếu giảm mạnh, đồng thời làm tổn hại đến các khách hàng trong lĩnh vực công nghệ của SVB. Kết quả là SVB bị Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đóng cửa vào ngày 12/3.
Credit Suisse là quân bài domino tiếp theo sụp đổ. Trong suốt nhiều năm qua, nhà đầu tư đã không ngừng băn khoăn về những vấn đề của nhà băng Thụy Sỹ này.
Giờ đây, đổi thủ UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse, với mức giá khá thấp. Các trái chủ thì ôm trái đắng vì lô trái phiếu AT1 trị giá 17 tỷ USD của Credit Suisse đã bị các cơ quan quản lý xoá sổ.
Theo cuộc khảo sát mới nhất của Bank of America, các nhà quản lý quỹ toàn cầu cho biết nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng đã thay thế lạm phát trở thành rủi ro chính của thị trường.
Ông Ethan Harris, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America, chia sẻ: “Thị trường đang hành động như thể chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng khá nghiêm trọng”.
“Nhà đầu tư đang rất tin vào kịch bản bất lợi, họ sợ sẽ phải đối mặt với một sự kiện tài chính lớn và một nền kinh tế rất trì trệ”, ông nói.
Tương tự như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà chức trách Mỹ hiện nhấn mạnh rằng họ đang kiểm soát được tình hình.
Họ cho rằng hệ thống ngân hàng hiện giờ mạnh mẽ hơn rất nhiều, với nhiều vốn và thanh khoản hơn. Đồng thời, nhiều vấn đề đến nay chỉ xuất hiện ở một số tổ chức nhất định, chứ không phải trên toàn ngành.
Rất mong manh
Không phải ai cũng chắc chắn về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng Mỹ. Theo FDIC, vào cuối năm ngoái, lỗ chưa thực nhận trên danh mục chứng khoán nợ của các ngân hàng Mỹ là 620 tỷ USD.
Trong một bài viết đăng tải vào ngày 13/3, một nhóm các nhà kinh tế cảnh báo rằng hàng trăm ngân hàng khác có thể lâm vào cảnh bế tắc nếu khách hàng ồ ạt rút tiền gửi.
Các chuyên gia này cho rằng “sự sụt giảm giá trị tài sản ngân hàng thời gian gần đây đã làm gia tăng đáng kể rủi ro của hệ thống ngân hàng Mỹ trước các đợt rút tiền gửi không được bảo hiểm”, như trường hợp đã phá huỷ SVB.
Các quan chức NHTW khẳng định họ có công cụ riêng để ngăn chặn khủng hoảng trong ngành ngân hàng và kiểm soát giá cả, và có thể sử dụng chúng cùng lúc.
Ý tưởng trên bắt nguồn từ cố nhà kinh tế người Hà Lan Jan Tinbergen, người đoạt giải Nobel kinh tế đầu tiên vào năm 1969. Đầu thập niên 2000, cựu Chủ tịch Fed Bernanke đã làm theo quy tắc mà Tinbergen lập ra.
Quy tắc trên nói, các nhà hoạch định chính sách cần sử dụng các công cụ khác nhau để đạt được các mục tiêu khác nhau.
Ví dụ, ngay bây giờ, NHTW Mỹ có thể hỗ trợ các nhà băng gặp khó khăn bằng cách bơm thanh khoản ngắn hạn, đồng thời nâng lãi suất đối với người đi vay trong toàn bộ nền kinh tế để làm chậm lạm phát.
Bảng cân đối kế toán của Fed tồn tại để đối phó với các trường hợp khẩn cấp như vậy, nhưng vấn đề là Fed đang cố giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc (hút thanh khoản) sau nhiều năm mua vào theo chương trình nới lỏng định lượng thời đại dịch.
Trong hai tuần qua, Fed đã chi ra hàng trăm tỷ USD thông qua các cơ chế cho vay khác nhau để hỗ trợ ngành ngân hàng và việc bơm thanh khoản này đi ngược lại với những gì họ cần làm để diệt lạm phát.
Chia sẻ với truyền thông sau cuộc họp mới đây, ông Powell kêu gọi thị trường không nên coi các động thái gần đây của Fed là nới lỏng chính sách.
Nhiều chuyên gia đồng ý với Fed nhưng các nhà quản lý quỹ vẫn coi đó là một tín hiệu về lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn trong tương lai.
Kết quả là Fed đang phát đi một thông điệp khiến thị trường băn khoăn và khiến các nhà hoạch định khó kiểm soát lạm phát hơn, cựu Thống đốc Fed Kevin Warsh cho hay.
Ngay cả khi NHTW Mỹ thành công ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính mới nhất, nhiều khả năng nền kinh tế vẫn sẽ chịu thiệt hại và nếu xảy ra, suy thoái sẽ sâu hơn và khó kiểm soát hơn.