|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người gửi tiền rút gần 100 tỷ USD khỏi các ngân hàng Mỹ

16:14 | 25/03/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh người gửi tiền ồ ạt rút tiền gửi khỏi hệ thống các ngân hàng Mỹ, giới chức nước này, bao gồm Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phải tổ chức một cuộc họp kín, đồng thời lên tiếng trấn an rằng hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn lành mạnh.

Giới chức tại Mỹ mới đây đã phải lên tiếng trấn an khách hàng khi dữ liệu mới nhất cho thấy những người gửi tiền tại các ngân hàng Mỹ đã rút gần 100 tỷ USD khỏi các tài khoản của họ, theo thông tin từ CNBC.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và nhiều quan chức cấp cao khác đã triệu tập một cuộc họp kín đặc biệt của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (Financial Stability Oversight Council) vào ngày 24/3.

Một nhân viên của Fed tại New York đã trình bày tóm tắt về tình hình của cuộc họp: “Hội đồng đã thảo luận về các điều kiện hiện tại trong lĩnh vực ngân hàng và lưu ý rằng trong khi một số tổ chức đang gặp căng thẳng, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn lành mạnh. Hội đồng cũng thảo luận về những nỗ lực tại các cơ quan thành viên để giám sát sự phát triển của hệ thống tài chính”.

Dữ liệu mới nhất về cuộc họp kín này được công bố ngay sau khi phiên giao dịch ngày 24/3 đóng cửa, xuất hiện cùng lúc với dữ liệu mới nhất của Fed cho thấy những người gửi tiền tại các ngân hàng của Mỹ đã rút tổng cộng 98,4 tỷ USD từ tài khoản của họ trong tuần kết thúc vào ngày 15/3.

Khách hàng ồ ạt rút tiền gửi khỏi các ngân hàng tại Mỹ sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank. (Ảnh: PBS).

Việc người gửi tiền ở Mỹ ồ ạt rút tiền khỏi tài khoản của họ xảy ra trong thời kỳ mà những ngân hàng như Silicon Valley Bank sụp đổ Signature Bank đóng cửa làm “rung chuyển” ngành ngân hàng Mỹ.

Dữ liệu cho thấy phần lớn số tiền được khách hàng rút ra đến từ các ngân hàng nhỏ. Các tổ chức lớn chứng kiến lượng tiền gửi tăng thêm 67 tỷ USD, trong khi các ngân hàng nhỏ hơn chứng kiến dòng tiền chảy ra 120 tỷ USD.

Làn sóng rút tiền đã khiến tổng tiền gửi tại các ngân hàng ở Mỹ giảm còn 17.500 tỷ USD. Lượng tiền gửi đã giảm liên tục trong khoảng một năm qua, giảm 582,4 tỷ USD kể từ tháng 2/2022, theo dữ liệu được Fed công bố ngày 24/3.

Theo dữ liệu của Investment Company Institute cho đến ngày 22/3, các quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ đã chứng kiến tổng giá trị tài sản tăng trong hai tuần qua, từ 203 tỷ USD lên 3.270 tỷ USD.

Đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tìm cách đảm bảo với người dân rằng hệ thống ngân hàng Mỹ đang an toàn.

“Bạn đã thấy rằng chúng tôi có các công cụ để bảo vệ người gửi tiền khi có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế hoặc hệ thống tài chính, và chúng tôi đã sẵn sàng sử dụng những công cụ đó. Tôi nghĩ những người gửi tiền nên cho rằng tiền gửi của họ được bảo vệ an toàn”, ông Powell cho biết.

Ông Jerome Powell cũng lưu ý thêm rằng dòng tiền gửi “đã ổn định trong tuần qua” sau cái mà ông gọi là “các hành động mạnh mẽ” từ Fed để ngăn chặn sự sụp đổ hệ thống.

Các ngân hàng tại Mỹ đã đổ xô đi tìm kiếm sự giúp đỡ sau những sự kiện liên quan đến Silicon Valley Bank và Signature Bank diễn ra trong vài tuần qua. Dữ liệu mới được công bố ngày 23/3 cho thấy các tổ chức đã vay trung bình 116,1 tỷ USD/ngày từ cửa sổ chiết khấu của ngân hàng trung ương, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Các nhà băng cũng đã rút 53,7 tỷ USD từ Bank Term Funding Program, một chương trình cho vay mới dành cho các ngân hàng nhằm tăng cường thanh khoản cho hệ thống tài chính sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank, sẽ giúp Fed có thể tiếp tục nâng lãi suất nếu cần thiết để kiềm chế lạm phát mà không làm gia tăng các khoản lỗ từ trái phiếu của các ngân hàng thương mại.

Anh Nguyễn