|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia dự đoán lạm phát tại Mỹ có thể xuống dưới 2% ngay trong năm 2024, nguyên nhân do đâu?

11:37 | 04/12/2023
Chia sẻ
Giá hàng hoá tại Mỹ đang rơi vào tình trạng giảm phát, qua đó làm dịu áp lực lạm phát nói chung. Hai ngân hàng Morgan Stanley và UBS dự đoán lạm phát có thể quay trở về mục tiêu 2% ngay trong nửa cuối năm 2024.

(Hình minh họa: FT). 

Tình trạng giảm phát

Người Mỹ đang trải qua tình trạng giảm phát (deflation), lần đầu tiên sau ba năm. Hiện tượng này mới chỉ xuất hiện ở các món đồ nội thất, thiết bị, ô tô cũ và một số mặt hàng khác. Tuy nhiên, giảm phát trên toàn nền kinh tế - tức là giá cả của hầu hết mọi hàng hóa và dịch vụ liên tục đi xuống - vẫn biệt tích. 

Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự đoán giá hàng hóa rất có thể sẽ tiếp tục giảm và giúp Cục Dữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa tỷ lệ lạm phát về mức 2%. Trong kịch bản tốt nhất, Fed có thể đạt được mục tiêu này vào nửa cuối năm 2024.

Giá cả của hàng tiêu dùng lâu bền đã giảm trong 5 tháng liên tiếp khi so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 10, giá của nhóm hàng này thấp hơn 2,6% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 9/2022, theo dữ liệu mà Bộ Thương mại công bố tuần trước. Đây là yếu tố quan trọng giúp lạm phát tính theo giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCEPI lõi) giảm từ 5,5% vào tháng 9/2022 xuống 3,5% vào tháng 10/2023.

Giá của những dịch vụ như thuê nhà và bảo hiểm ô tô tiếp tục đi lên nhưng tốc độ đã chững lại so với trước. Cụ thể, giá của các dịch vụ này trong tháng 10 tăng 4,4% so với một năm trước, thấp hơn tốc độ 4,7% ghi nhận hồi tháng 9 nhưng cao hơn hẳn mức trước đại dịch.

Số liệu đã được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ. 

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), giảm phát trên toàn nền kinh tế là điều hiếm khi xảy ra và thường được cho là dấu hiệu chứng tỏ nhu cầu đang trì trệ hoặc suy yếu nghiêm trọng.

Ngược lại, giảm phát trong một số lĩnh vực cụ thể lại khá phổ biến. Trước đại dịch, trung bình giá hàng tiêu dùng lâu bền tại Mỹ giảm 1,9% mỗi năm từ năm 1995 đến 2020. Xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang các nước lương thấp và sự cải thiện của năng suất đã giúp hạ chi phí.

Đại dịch COVID-19 khiến những yếu tố trên tạm thời bị đảo ngược. Hàng loạt sản phẩm rơi vào tình trạng thiếu hụt, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu tăng vọt nhờ người tiêu dùng có sẵn tiền từ các chương trình kích thích kinh tế đã khiến giá cả leo thang trong năm 2021 và 2022. Lạm phát hàng tiêu dùng lâu bền đạt đỉnh 47 năm ở mức 10,7% vào tháng 2/2022.

Trong một nghiên cứu, nhà kinh tế Adam Shapiro của Fed chi nhánh San Francisco phát hiện ra rằng tình trạng gián đoạn nguồn cung là yếu tố đóng góp một nửa mức tăng của lạm phát trong giai đoạn 2021 - 2022. Ngày nay, các chuỗi cung ứng đang vận hành một cách trơn tru, theo chỉ số của Fed chi nhánh New York.

Trong bài viết xuất bản ngày 30/11, Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng ước tính hoạt động của chuỗi cung ứng được cải thiện (một phần nhờ nhu cầu yếu đi) đóng góp 80% vào mức giảm của lạm phát kể từ năm 2022.

Trong tháng 10, giá các phụ tùng ô tô mới và cũ giảm 0,4% so với tháng 9, đánh dấu tháng sụt giảm thứ 5 liên tiếp. Giá đồ nội thất gia đình giảm 0,2% và hàng hóa giải trí như thiết bị máy tính sụt 0,4%.

Hồi tháng 9, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sự sụt giảm của giá cả hàng hóa là dấu hiệu cho thấy chiến dịch tăng lãi suất đang phát huy hiệu quả. Hoạt động vận tải được cải thiện đóng vai trò quan trọng. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng lạm phát dịch vụ không kể nhà ở cần phải đi xuống.

Số liệu đã được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ. Các mặt hàng tiêu dùng lâu bền khác bao gồm điện thoại, sách, đồ trang sức, hành lý. 

Suy thoái hay không?

Theo dự báo của các nhà kinh tế tại Morgan Stanley, hiện tượng giảm phát nói trên sẽ tăng tốc cho đến giữa năm 2024 nhờ chuỗi cung ứng được cải thiện và nhu cầu suy yếu. Điều đó sẽ bù đắp cho đà tăng của giá cả dịch vụ.

Morgan Stanley dự đoán lạm phát tính theo PCEPI sẽ giảm xuống 1,8% vào tháng 9/2024, thấp hơn mục tiêu của Fed. Morgan Stanley không cho là Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Còn trong dự báo tháng 9, các quan chức Fed cho rằng phải đến năm 2026 lạm phát mới quay trở lại mục tiêu 2%.

Giá bán được xác định bằng chi phí đầu vào - lao động, vật liệu, vốn - cộng với lợi nhuận. Giá hàng hóa bật tăng trong năm 2021 và 2022 một phần là do lương và một số yếu tố đầu vào như năng lượng đi lên. Nhưng đồng thời, các công ty cũng tranh thủ sự hạn chế của nguồn cung và nhu cầu mạnh mẽ của khách hàng để mở rộng biên lợi nhuận. Khi những điều kiện đó suy yếu, giá cả và biên lợi nhuận sẽ giảm xuống.

Ông Alan Detmeister, nhà kinh tế của ngân hàng UBS, bình luận: “Nếu các rắc rối nguồn cung là nguyên nhân kéo giá cả lên cao thì việc chuỗi cung ứng được chữa lành sẽ đẩy giá xuống mức cân bằng mới”. UBS dự báo lạm phát sẽ hạ xuống 1,7% vào quý IV/2024. Song, khác với Morgan Stanley, UBS dự kiến Mỹ sẽ gặp suy thoái trong năm sau.

Các doanh nghiệp đang điều chỉnh với đà giảm của giá cả. Tại chuỗi bán lẻ Walmart, lượng mặt hàng được giảm giá đã tăng 50% so với năm trước. Ông John Furner, CEO của Walmart U.S., nói với các nhà phân tích hôm 16/11: “Chúng ta đã sống trong môi trường lạm phát cao trong vài năm qua. Thật tốt khi chứng kiến một số loại giá cả quay trở lại mức bình thường”.

Giang