Các chuyên gia đưa ra loạt dự báo cho năm 2024: Nguy cơ suy thoái chưa dứt, lạm phát có thể tăng trở lại
"Dễ bị tổn thương"
Sau khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt trong hơn một năm qua, triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024 vẫn khá mờ mịt.
Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ mới công bố cho thấy trong quý III, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng 5,2% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), cao hơn ước tính ban đầu là 4,9%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3% trong năm 2023 và 2,9% trong năm 2024.
Sự bền bỉ của nền kinh tế Mỹ khiến ngày càng nhiều chuyên gia tin tưởng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ có thể “hạ cánh mềm”, tức là lạm phát hạ nhiệt mà nền kinh tế không rơi vào suy thoái. Thị trường tài chính kỳ vọng lãi suất của Fed đã đạt đỉnh và ngân hàng trung ương này sẽ giảm chi phí đi vay trong năm 2024.
Tuy nhiên, trong báo cáo triển vọng năm sau, các nhà kinh tế của Deutsche Bank lưu ý chính sách tiền tệ có độ trễ nên tác động và thời điểm xuất hiện tác động “rất khó đoán”.
Báo cáo của Deutsche Bank viết: “Tác động có độ trễ của các đợt tăng lãi suất đang lộ diện. Chúng tôi thấy những dấu hiệu rõ ràng cho thấy dữ liệu kinh tế đang suy yếu.
Tại Mỹ, báo cáo việc làm gần nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2022, tỷ lệ nợ thẻ tín dụng quá hạn leo lên mức cao nhất trong 12 năm và các vụ vỡ nợ trái phiếu lợi suất cao cũng đi lên.
Lãi suất cao đang gây căng thẳng cho một số bộ phận của nền kinh tế số một thế giới và nhiều khả năng rủi ro sẽ lan rộng ra trong năm 2024".
Báo cáo tiếp tục: "Tại khu vực đồng euro, nền kinh tế đã rơi vào trạng thái trì trệ từ tháng 8/2022 và tình trạng này rất có thể sẽ kéo dài đến mùa hè năm 2024”.
Deutsche Bank có dự báo bi quan hơn nhiều so với nhận định chung của thị trường. Ngân hàng có trụ sở tại Đức ước tính trong năm 2024, Canada sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong các nước thuộc nhóm G7, ở mức 0,8%.
Hai nhà kinh tế Jim Reid và David Folkerts-Landau của Deutsche Bank chỉ ra: “Chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt nhất trong 4 thập kỷ qua đã khiến cho các nền kinh tế lớn dễ bị tổn thương trước những cú sốc hơn.
Chúng ta đã trải qua 10 - 15 năm lãi suất âm hoặc bằng 0, quy mô bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng từ khoảng 5.000 lên 30.000 tỷ USD, thêm nữa chỉ vài năm trước hầu như mọi người đều nghĩ chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo sẽ kéo dài đến gần hết thập kỷ này.
Do vậy, rất có thể người dân và doanh nghiệp đã thực hiện những khoản đầu tư có đòn bẩy lớn, dễ bị tổn thương trong môi trường lãi suất cao như hiện nay”.
"Duy trì ở mức cao trong thời gian dài"
Lãi suất sẽ “được duy trì ở mức cao trong thời gian dài” là nhận định chung của thị trường trong thời gian gần đây. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Asset Management (GSAM) thấy rằng Fed khó có thể xem xét cắt giảm lãi suất vào năm tới, trừ khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể so với dự đoán hiện tại.
Nhóm chuyên gia kinh tế của GSAM nhận định: “Ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu có vẻ đã giúp nền kinh tế tránh được kịch bản hạ cánh cứng... Tuy nhiên, các cú sốc bên ngoài hoặc quyết định chuyển hướng chính sách quá sớm có thể khiến áp lực lạm phát bùng lên trở lại và buộc các ngân hàng này dập tắt nó bằng suy thoái.
Ngược lại, việc chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa cũng có thể kích hoạt suy thoái đúng lúc tác động có độ trễ của các đợt tăng lãi suất trước đó bắt đầu xuất hiện”.
GSAM cũng lưu ý về sự khác biệt giữa triển vọng tăng trưởng và quỹ đạo của lạm phát giữa các khu vực. Nền kinh tế Nhật Bản đã đón nhận những tín hiệu gây bất ngờ nhưng theo hướng tích cực, khi mà tiền lương và lạm phát tăng trở lại sau nhiều năm trì trệ nhờ sự phục hồi của nhu cầu nội địa.
Trong khi đó, khủng hoảng của thị trường bất động sản và sự già hóa dân số khiến Trung Quốc đối mặt với rủi ro giảm phát và tăng trưởng sa sút.
Brazil, Chile, Hungary, Mexico, Peru và Ba Lan là những thị trường mới nổi đã sớm tăng lãi suất và cũng là những nước đầu tiên chứng kiến lạm phát giảm mạnh. Ngân hàng trung ương của những nước này đã bắt đầu hoặc sẽ sớm giảm lãi suất.
Rủi ro suy thoái “lùi xa hơn chứ không giảm sút”
Trong một hội thảo tuần này, các chuyên gia của JPMorgan Asset Management (JPAM) cũng bày tỏ quan điểm thận trọng như các đồng nghiệp ở Goldman Sachs. Theo đánh giá của JPAM, rủi ro Mỹ rơi vào suy thoái dưới tác động của lãi suất cao chỉ được lùi ra mốc thời gian xa hơn chứ chưa hề giảm sút.
Bà Karen Ward, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của JPMAM, cho biết nhiều hộ gia đình Mỹ đã chốt được hợp đồng vay thế chấp mua nhà có lãi suất cố định trong vòng 30 năm khi lãi suất vẫn ở mức khoảng 2,7%.
Tuy nhiên, những người bây giờ mới mua nhà sẽ phải đối mặt với lãi suất cao hơn nhiều và chi phí của các khoản vay tiêu dùng khác cũng đã tăng cao, ví dụ như vay mua ô tô. Bà bình luận: “Lãi suất cao vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế...”
Bà Ward nhấn mạnh người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng tiền tiết kiệm thời đại dịch với tốc độ nhanh hơn hẳn người châu Âu. Theo bà, cùng với chính sách tài khoá "cực kỳ hỗ trợ" dưới dạng các chương trình đầu tư hạ tầng của Tổng thống Joe Biden, đây là “một trong những lý do cho đến nay nền kinh tế Mỹ vượt trội hơn các nước khác”.
Bà lưu ý: “Tất cả những yếu tố tích cực trên sẽ dần biến mất trong năm sau, do đó triển vọng tiêu dùng trong năm 2024 không còn mạnh mẽ như trước và điều này sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế”.
Trong vài năm tới, giới doanh nghiệp sẽ phải đảo nợ với mức lãi suất cao hơn nhiều. Bà Ward kết luận: “Vì vậy, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại vào năm 2024 và chúng tôi vẫn cho rằng rủi ro suy thoái kinh tế là rất lớn. Do đó, chúng tôi vẫn khá thận trọng với ý kiến cho rằng nước Mỹ đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất và tình hình từ nay về sau sẽ ngày càng tươi sáng hơn”.