Chuyện cả đời mới thấy, dân Đồng Kỵ làm điều chưa từng có
Đồng loạt chuyển sang bán hàng online
Chia sẻ về những giải pháp mà các doanh nghiệp trong chế biến gỗ đang làm để vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) - Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2, cho rằng, trong bối cảnh này, doanh nghiệp chỉ có 2 sự lựa chọn: Một là cố gắng tìm các giải pháp để tồn tại và chuẩn bị kỹ càng các bước tiếp theo để khi nào bệnh dịch qua đi thì doanh nghiệp có thể tăng tốc trở lại vị trí trước dịch; Hai là đóng cửa và phá sản.
“Tất nhiên chẳng doanh nghiệp nào muốn lựa chọn phương án thứ hai, thành thử doanh nghiệp nào cũng phải cố gắng tìm mọi cách để tồn tại”, ông Hiệp nói.
Chẳng hạn, sau nhiều năm trung thành với cách bán hàng truyền thống (offline), một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề, với sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online.
Với nhiều người dân các làng nghề như Đồng Kỵ, Thạch Thất... tê liệt do Covid-19 là điều họ chưa từng thấy trong đời, và để tồn tại buộc phải chuyển đổi, với những kỹ năng họ chưa bao giờ thực hiện.
Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ đã thành lập nhóm trên zalo, viber và facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên tham gia. Các thành viên thường xuyên chia sẻ những mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào bán trên nhóm và nhờ kết nối với người mua có nhu cầu.
BIFA đang hợp tác với hai công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Hai đối tác này tiến hành đào tạo cho một số công ty thành viên của BIFA và kỳ vọng trong tương lai, các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online.
Song, theo ông Hiệp, khi chuyển sang bán hàng online, doanh nghiệp cần bắt đầu từ các sản phẩm đơn giản trước, sau đó đi vào sản phẩm phức tạp. Bởi, các mặt hàng đơn giản khi bán online thuộc nhóm mặt hàng người mua tự lắp ráp, với mức giá bình dân hoặc rẻ, phục vụ nhóm khách hàng thu nhập trung bình hoặc thấp.
Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, đối với thị trường xuất khẩu, đến tháng 4, khoảng 80% đơn hàng phải tạm dừng, trong khi chưa tìm được đơn hàng mới.
Các thị trường lớn như Mỹ (chiếm 51% kim ngạch xuất khẩu gỗ EU (chiếm 39%) gần như đóng băng; thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ còn lác đác những đơn hàng sản phẩm chế biến cho các công trình lớn (khách sạn, công sở) giảm 90% doanh thu so với cùng kỳ.
Trong giai đoạn khó khăn này, ông Tuấn mong các doanh nghiệp không quá bi quan, giờ không phải là lúc nghĩ đến chuyện đóng cửa rồi phá sản mà phải tìm cơ trong nguy. Nếu thị trường chủ chốt khó khăn thì xoay hướng sang thị trường khác và thị trường nội địa. Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội thì chuyển sang bán hàng online.
Lấp chỗ trống thị trường nội địa
Để doanh nghiệp không bị “nhấn chìm” trong đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát tại Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), cho hay, doanh nghiệp hiện chủ yếu bán hàng online và sản xuất theo các đơn đặt hàng trên viber, zalo.
Ngoài ra, công ty còn chuyển đổi loại hình sản phẩm, sản xuất các sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa. Hiện doanh nghiệp gấp rút nghiên cứu các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em,... và một số mặt hàng khác mà trước đó Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc để phục vụ tiêu thụ nội địa, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động, ông Khiêm chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp chế biến gỗ, việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, để phục vụ tiêu dùng trong nước đã tạo ra khoảng trống về các mặt hàng này tại thị trường nội địa. Do đó, nắm bắt cơ hội này, nhiều DN chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để lấp chỗ trống thị trường trong nước.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, tiêu thụ sản phẩm gỗ trong nước hiện lên đến 3 tỷ USD và sẽ tăng lên. Do đó, cần đặc biệt chú ý tới thị trường nội địa. Phải xây dựng hệ thống siêu thị, phân phối sản phẩm để người dân có thể sử dụng sản phẩm gỗ chất lượng cao.
“Việc kết hợp với các doanh nghiệp bất động sản lớn đưa sản phẩm gỗ chế biến vào các công trình nhà chung cư, văn phòng là dư địa lớn để phát triển”, Thứ trưởng Tuấn nhận định.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2 Điền Quang Hiệp lại có cái nhìn khá lạc quan. Theo ông, năng suất lao động trong ngành gỗ Việt Nam thấp hơn khoảng 20% so với năng suất lao động của ngành gỗ Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất kinh doanh trùng xuống trong giai đoạn này, bên cạnh những tác động tiêu cực còn là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm ra các khía cạnh/khâu chưa hiệu quả, từ đó tái cơ cấu, đưa ra các phương án cải thiện.
“Trước khi dịch xảy ra, doanh nghiệp của tôi luôn hoạt động hết công suất, thậm chí liên tục tăng ca, hầu như không nghỉ,... Đây là thời điểm tốt để nhìn lại cái gì cần cải thiện. Chúng tôi đang tận dụng thời gian này để nâng cao tay nghề cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, sẵn sàng chuẩn bị cho các hoạt động sau dịch”, ông nói.