|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hơn 90% doanh nghiệp ngành gỗ đang trong trạng thái tê liệt, làm gì để đối phó với sức ảnh hưởng nặng nề của COVID-19?

17:37 | 14/04/2020
Chia sẻ
Chỉ có 7% doanh nghiệp trong ngành gỗ vẫn hoạt động bình thường, còn lại trên 90% đang phải tạm dừng, hoặc luân chuyển một bộ phận lao động, tạp ra sự đứt gãy toàn chuỗi, thông tin từ Báo điện tử Chỉnh phủ.

80% đơn hàng gỗ bị tạm dừng, thị trường Mỹ và Châu Âu đóng băng

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, đại dịch COVID-19 trên toàn cầu gây ra 4 tác động nghiêm trọng đến ngành gỗ Việt Nam. 

Thứ nhất, đối với thị trường xuất khẩu, đến tháng 4 này khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trường lớn như Mỹ (chiếm 51% kim ngạch xuất khẩu), EU (khoảng 39%) đã đóng băng; Nhật Bản chiếm 12%, Hàn Quốc 7% cũng chỉ còn những đơn hàng lác đác.

Thị trường Trung Quốc chiếm 8%, nhưng chủ yếu là dăm gỗ (chiếm tới 90%) giờ mới bắt đầu được phục hồi, nhưng cũng cần một thời gian nữa mới có thể bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây dịch COVID-19 ở Trung Quốc lại có diễn biến phức tạp, nên mọi hoạt động xuất khẩu cũng khó lường.

Thứ hai, đối với thị trường trong nước, hiện nay có hai sản phẩm chính, đó là sản phẩm của các làng nghề truyền thống thì có đến 70 - 80% không tiêu thụ được, phải tạm dừng hoạt động sản xuất. Còn sản phẩm chế biến cao cấp cho các công trình lớn cũng bị giảm 90% doanh thu so với cùng kì.

Thứ ba, về tình hình nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gỗ khoảng 10 triệu m3, thì trong quí I nguyên liệu gỗ, phụ kiện cũng giảm 70 - 80%. Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu từ nguồn dự trữ. Có một điểm sáng là việc khai thác nguồn phụ kiện từ Trung Quốc đã ghi nhận có đơn hàng.

Cuối cùng, tình hình sản xuất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ ngừng trệ. Do không có đơn hàng nên các doanh nghiệp chế biến gỗ buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ. Đã có nhiều doanh nghiệp cho nghỉ 40 - 80% số lao động, hoặc giãn thời gian làm việc.

Tìm kiếm thị trường mới, chú trọng hơn vào thị trường nội địa

Trong hoàn cảnh hiện tại, Bộ NN&PTNN và Chính phủ cũng đã triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ bao gồm chậm nộp các loại thuế, tiền thuê đất, giãn nợ, giảm lãi suất… 

Bộ NN&PTNT giao cho Tổng cục Lâm nghiệp làm việc với các hiệp hội, làng nghề, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, hết dịch thì phải khôi phục sản xuất ngay. Nếu kéo dài tình trạng tạm ngừng như hiện nay sẽ dẫn đến đình trệ. Nếu dịch COVID-19 qua đi, tại các thị trường chủ chốt, khả năng Việt Nam vẫn đạt được mục tiêu xuất khẩu 12 tỉ USD với ngành gỗ, Thứ trưởng nói.

Hơn 90% doanh nghiệp ngành gỗ đang trong trạng thái tê liệt, làm gì để đối phó với sức ảnh hưởng nặng nề của COVID-19? - Ảnh 1.

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Ảnh: VGP

Theo ông Hà Công Tuấn, ngành gỗ phải tập trung vào 4 giải pháp chủ yếu. 

Thứ nhất, dứt khoát cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam vẫn phải dùng 25 - 26 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất ra 13 triệu tấn dăm, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 - 1,6 tỉ USD. Con số này theo ông Tuấn là rất thấp, chỉ chiếm hơn 10%, trong khi lượng nguyên liệu chiếm 60%.

Thứ hai là cơ cấu sản phẩm gỗ, chủ yếu xuất sang Mỹ, EU là bàn trang điểm, dụng cụ phòng bếp, phòng tắm… chiếm 60%, trong khi đồ ngoại thất, văn phòng chỉ chiếm 40%.

Thứ ba là cơ cấu cho cả chuỗi, trồng rừng gỗ lớn, cải tiến về giống, đưa giống tốt có thâm canh, đẩy nhanh việc quản lí rừng bền vững, thực hiện các cam kết với EU…

Thứ tư là làm mạnh mẽ hơn liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung. Trước kia Việt Nam nhập nguyên liệu nhiều, nhưng hiện giờ ta đã chủ động được 80% nguyên liệu.

Đối với các doanh nghiệp trong ngành, ông Hà Công Tuấn cho rằng trước hết phải năng động, sáng tạo, cùng Nhà nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Doanh nghiệp cần nhận thức, đánh giá tình hình một cách đúng đắn, hợp lý, không bi quan, tìm cơ trong nguy, ổn định duy trì phát triển trong tương lai. Thị trường chủ chốt khó khăn thì tìm thị trường khác và thị trường nội địa. Hiện nay, hàng hóa phục vụ dân sinh, nếu làm được sẽ duy trì được một phần sản xuất”, ông Tuấn nói.

Theo Thứ trưởng, ngành gỗ cũng cần chuyển sang bán hàng online, không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài, giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong bán hàng.

Bên cạnh đó doanh nghiệp phải gắn bó với người lao động, không được để ai lại phía sau. Trong giai đoạn dịch bệnh, nếu doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ với người lao động, chắc chắn khi hết dịch người lao động sẵn sàng trở lại làm việc.

Các doanh nghiệp cũng cần đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào chuỗi, từ ứng dụng giống, chế biến, đến bán hàng. Cùng với đó là đổi mới thiết kế, tạo ra mặt hàng phối trộn gỗ với đá, kim loại để phù hợp với thị trường, nắm bắt nhu cầu thị trường.

Thứ trưởng cho rằng, vai trò của thị trường nội địa ngày càng quan trọng, giá trị ngành gỗ hiện đã đạt 3 tỉ USD và trong tương lai sẽ tăng lên vì nhu cầu và mức sống cao hơn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đông A