Chủ nghĩa tiền tệ (Monetarism) là gì? Các nội dung liên quan đến chủ nghĩa tiền tệ
Hình minh họa (Nguồn: luanvanviet.com)
Chủ nghĩa tiền tệ
Khái niệm
Chủ nghĩa tiền tệ trong tiếng Anh là Monetarism.
Chủ nghĩa tiền tệ là một quan điểm phân tích có liên quan đến ảnh hưởng của tiền trong quá trình vận hành của nền kinh tế. Lí thuyết này nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ cân đối giữa khối lượng tiền tệ hiện có để thanh toán các khoản mua hàng hóa, dịch vụ và năng lực của nền kinh tế trong việc sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ.
Các nội dung liên quan đến chủ nghĩa tiền tệ
Chủ nghĩa tiền tệ đưa ra cách lí giải lạm phát dựa vào nhận định cho rằng sự gia tăng quá mức trong cung ứng tiền tệ. Các nhà tiền tệ lập luận rằng nếu chính phủ chi tiêu nhiều hơn nguồn thu từ thuế, qua đó làm tăng nhu cầu tài trợ thâm hụt của khu vực công cộng, thì sự gia tăng cung ứng tiền tệ do nhu cầu đó gây ra sẽ làm tăng chi tiêu và tỉ lệ lạm phát.
Dạng cực đoan của chủ nghĩa tiền tệ là lí thuyết số lượng về tiền tệ. Nó cho rằng nguyên nhân trực tiếp của lạm phát là việc tạo tiền quá mức, dẫn tới tình trạng có quá nhiều tiền đuổi theo số sản lượng quá ít. Như vậy, việc tạo tiền được coi là nguồn gốc của lạm phát do cầu kéo.
Các nhà tiền tệ cho rằng lạm phát do chi phí đẩy không phải là lí thuyết thực sự độc lập về lạm phát – mức chi tiêu tăng thêm phải được tài trợ bằng mức tăng cung ứng tiền tệ. Chẳng hạn, nếu ban đầu chúng ta có một mức cung ứng tiền tệ và sản lượng cố định với mức giá nhất định.
Bây giờ giả sử chi phí tăng do tiền lương cao hơn và điều này làm cho các nhà cung cấp tăng giá hàng hóa và dịch vụ. Các nhà tiền tệ cho rằng sự gia tăng giá cả không chuyển thành lạm phát – tức xu hướng gia tăng dai dẳng của giá cả - nếu cung ứng tiền tệ không tăng.
Mức cung tiền cho trước sẽ mua được mức sản lượng thấp hơn với mức giá cao hơn, qua đó làm cho nhu cầu thực tế giảm xuống. Nhưng khi hệ thống ngân hàng tăng cung ứng tiền tệ, người ta có thể mua được mức sản lượng như cũ với mức giá cao hơn. Nếu quá trình này tiếp diễn, lạm phát do chi phí đẩy sẽ xảy ra.
Vấn đề quan trọng là phải hiểu được một số khác biệt giữa các nhà tiền tệ và những người theo Keynes. Họ khác nhau ở cách nhìn nhận những yếu tố quyết định sự thay đổi của tổng cầu. Đối với những người theo Keynes, đó là các thành tố của chi tiêu, còn những thay đổi trong cung tiền không có tầm quan trọng đặc biệt. Các nhà tiền tệ thì ngược lại, họ đặt những thay đổi trong cung tiền vào trung tâm quá trình phân tích.
Những khác biệt như vậy có các hậu quả quan trọng đối với quan điểm về chính sách. Những người theo Keynes chủ yếu dựa vào chính sách tài chính, còn các nhà tiền tệ muốn sử dụng những thay đổi trong cung tiền để tạo ra sự ổn định của nền kinh tế.
Ngoài ra, hai trường phái tư tưởng này còn khác nhau ở quan điểm cho rằng sự can thiệp vào thị trường có lợi hay có hại. Các nhà tiền tệ tin tưởng vào sự cạnh tranh trên thị trường hơn là sự can thiệp của chính phủ để thúc đẩy sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)