Châu Á chọn mua vắc xin COVID-19 của Mỹ hay Trung Quốc?
Singapore đang tài trợ cho nghiên cứu của công ty công nghệ sinh học Mỹ Arcturus Therapeutics để mua số liều vắc xin thành công đầu tiên.
Hợp tác cùng Trường Y khoa Duke-NUS Medical của Singapore, Arcturus đang trong giai đoạn thử nghiệm trên người đầu tiên và đặt mục tiêu sản xuất 30 triệu liều vắc xin một mũi tiêm, Bloomberg đưa tin hôm 5/8.
Ông Ooi Eng Eong - Phó Giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm mới của Trường Y khoa Duke-NUS, cho biết số lượng liều vắc xin trong các đợt sản xuất đầu tiên nhiều khả năng vượt số lượng mà Singapore yêu cầu, do đó Duke-NUS và Arcturus có thể phân phối vắc xin cho các nước khác.
Chính phủ Mỹ, Anh và Nhật Bản cũng đã đạt được thỏa thuận mua vắc xin ngừa COVID-19 tiềm năng từ một số công ty như AstraZeneca và Pfizer. Ấn Độ là một trong các nước đang tự phát triển vắc xin.
Ai là tay chơi lớn trong cuộc đua vắc xin?
Trung Quốc - nơi đại dịch COVID-19 khởi phát, là một trong các quốc gia đi đầu trong cuộc đua vắc xin toàn cầu.
Vào tháng 7, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một loại vắc xin do CanSino Biologics (trụ sở tại Thiên Tân) cùng đơn vị nghiên cứu của quân đội Trung Quốc phát triển và cho thấy một số hứa hẹn trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu ở người.
Dù loại vắc xin trên chỉ mới dự kiến bước vào thử nghiệm giai đoạn ba, Bắc Kinh cho biết quân đội Trung Quốc có thể đã sử dụng sản phẩm mới. Thông tin này biến CanSino trở thành công ty đầu tiên có vắc xin ngừa COVID-19 được phê duyệt cho mục đích sử dụng giới hạn.
Các công ty Trung Quốc khác, gồm Sinovac (trụ sở tại Bắc Kinh) và hãng dược nhà nước Sinopharm, cũng đang tiến hành thử nghiệm cuối cho giai đoạn ba. Sinovac sẽ tiến hành thử nghiệm ở Brazil, trong khi Sinopharm dự kiến thử nghiệm vắc xin ở UAE.
Ở diễn biến khác, vắc xin của công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna cũng đang thực hiện giai đoạn thử nghiệm thứ ba, bên cạnh hai loại vắc xin tiềm năng khác: một do Đại học Oxford (Anh) kết hợp cùng AstraZeneca phát triển, ứng viên còn lại do BioNTech của Đức hợp tác cùng hãng dược nổi tiếng Pfizer của Mỹ điều chế.
Theo một quan chức chính phủ Thụy Sỹ, nước này sắp kí thảo thuận đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 đang được Moderna phát triển.
Nga cũng hi vọng đưa hai loại vắc xin - một do Viện Nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng phát triển, và một do Trung tâm Nghiên cứu Virus học và Công nghệ Sinh học Vektor phát triển, ra thị trường vào cuối năm nay.
Các nước châu Á đang quan tâm để vắc xin nào?
Ở châu Á, một số nước chọn sử dụng vắc xin do Trung Quốc sản xuất hoặc hợp tác phát triển cùng đại lục (1), trong khi các nước khác chọn mua sản phẩm do các hãng dược phương Tây sản xuất (2).
Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, chọn mua vắc xin theo phương án 1. Hãng dược nhà nước Bio Farma của Indonesia đã hợp tác cùng Sinovac phát triển vắc xin ngừa COVID-19 từ tháng 4.
Ứng viên vắc xin này dự kiến sẽ khởi động giai đoạn thử nghiệm thứ ba trong tháng 8, nếu thành công có thể sản xuất đến 250 triệu liều/năm.
Philippines cũng đang để mắt đến một vắc xin do Trung Quốc sản xuất. Số lượng ca nhiễm mới tại nước này đang gia tăng đột biến, buộc chính phủ phải ban bố lệnh phong tỏa thứ hai.
Tháng trước, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông đã đề nghị người đồng cấp Tập Cận Bình giúp đỡ để Philippines được ưu tiên mua vắc xin ngừa COVID-19.
Tương tự, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin tuần trước đã trao đổi cùng Trung Quốc để bày tỏ mối quan tâm của Malaysia trong việc mua vắc xin, dù trước đó ông cho biết chính phủ Malaysia cũng đang nghiên cứu các lựa chọn khác do Mỹ và Anh sản xuất.
Singapore đang hợp tác cùng các hãng dược Mỹ. Pfizer và BioNTech đã đồng ý cung ứng cho Nhật Bản 120 triệu liệu vắc xin thử nghiệm của họ trong nửa đầu năm 2021.
Tổng thư kí Ủy ban Vắc xin Quốc gia Thái Lan Siriroek Songsivilai cũng cho biết nước này có thể dùng sản phẩm của Pfizer, ước tính giá một liều vắc xin rơi vào khoảng 620 baht (tương đương 19,8 USD). Ngoài ra, Thái Lan cũng đang nghiên cứ điều chế vắc xin riêng, sẵn sàng sử dụng vào cuối năm 2021.
Hôm 22/7, Bộ Y tế Việt Nam tổ chức hội thảo liên quan đến vắc xin ngừa COVID-19. Theo thông tin từ hội thảo, Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất trong nước gồm VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN đang trong quá trình nghiên cứu vắc xin COVID-19 và kết quả bước đầu khá khả quan.
Khi quyết định mua vắc xin, bà Kavitha Hariharan của viện Marsh & McLennan Advantage cho biết tính an toàn và hiệu quả là các cân nhắc hàng đầu nhưng chi phí cũng không thể xem nhẹ. Điều này đặc biệt đúng với các nước đang phát triển có dân số đông và mức chi tiêu chăm sóc sức khỏe đầu người tương đối thấp.
Ông Jeremy Lim - Phó Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nói thêm rằng vấn đề địa chính trị cũng có thể lí giải tại sao các nước lại chọn một số loại vắc xin nhất định. Còn chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam sống tại Singapore nhận định nguồn cung vắc xin cũng đóng vai trò quan trọng do cầu có thể sẽ vượt cung.
Tại sao chuyên gia lo ngại về vắc xin của Nga hoặc Trung Quốc?
Tuần trước, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết nhiều khả năng Mỹ sẽ không sử dụng vắc xin do Trung Quốc hoặc Nga phát triển, do hệ thống phê duyệt của hai nước này kém minh bạch hơn so với phương Tây.
"Tôi thực sự hi vọng Trung Quốc và Nga thử nghiệm vắc xin trước khi tiêm ngừa cho bất kì ai", ông Fauci điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 31/7.
Ông Leong nhận thấy, một phần lí do khiến người khác nghi ngờ về vắc xin của Trung Quốc có thể là "ấn tượng xấu" liên quan đến vắc xin "kém chất lượng và kém hiệu quả" của các hãng dược đến từ đất nước tỉ dân.
Trong khi đó, ông Leong cho biết tâm lí lo lắng với vắc xin Nga bắt nguồn từ việc nước này ít khi công bố các ấn phẩm y tế về vắc xin dù các nước khác thường xuất bản báo cáo để các nhà khoa học và giới chuyên gia đánh giá dữ liệu.
Ngoài ra, bà Hariharan của viện Marsh & McLennan cho biết một thách thức lớn là làm sao để thuyết phục người dân đi tiêm ngừa khi mà vắc xin được sản xuất nhanh chưa từng thấy và tình trạng nghi ngờ vắc xin ở nhiều nước. Một thách thức khác là khả năng chi trả, bà Hariharan nói thêm.
Ông Leong cảm thấy chính phủ nên chi trả phần lớn hóa đơn vắc xin và thu một khoản phí nhỏ đối với các cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu.
Cuối cùng, Phó Giáo sư Lim của Đại học Quốc gia Singapore cho biết quản lí vắc xin sẽ là thách thức với các nước. Trong khi Singapore đã triển khai tiêm chủng hàng loạt cho dịch cúm H1N1 năm 2009, hầu hết các nước Đông Nam Á khác không có chính sách này.
Bên cạnh đó, ông Lim cho rằng các chuyên gia y tế, nhân viên thiết yếu và các nhóm dân số dễ bị tổn hại nên được tiêm vắc xin đầu tiên.