CEO Be Group: Gọi Grab là công ty vận tải không đi ngược xu hướng công nghiệp 4.0
Khẳng định là doanh nghiệp vận tải, CEO Be Group cho rằng tất cả công ty vận tải đều có thể áp dụng được công nghệ 4.0 |
Ngày 28/12, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh tuyên án sơ thẩm vụ kiện dân sự "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỉ đồng" giữa nguyên đơn là CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun đòi Grab bồi thường, buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỉ đồng.
Theo HĐXX, dựa vào tài liệu thu thập, tòa kết luận có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun. Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun, HĐXX nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác.
HĐXX cho biết, họ có căn cứ xác định từ 14/2/2014 đến nay, Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (taxi) nhưng không chấp hành quy định pháp luật về loại hình kinh doanh này.
Qua vụ kiện, HĐXX kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan quản lý hoạt động của Grab theo quy định, sửa đổi đề án 24 cho hợp lý; kiến nghị Bộ Tài chính quản lý giá cước, thuế của Grab theo quy định; kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét trách nhiệm của Grab trong việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp cho người lao động theo quy định.
Sau phán quyết của HĐXX, ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Be Group (cung cấp dịch vụ gọi xe be) đã lên tiếng về vụ án tranh chấp.
“Tôi rất ủng hộ phán quyết của HĐXX. Mong muốn của be cũng như các doanh nghiệp vận tải khác là tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để mang lại quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng, cũng như phải tuân thủ đầy đủ điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước”, ông Hải phát biểu.
Ông Hải giải thích rằng be đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nghĩa là đã định danh rất rõ ngay từ đầu, với cam kết minh bạch các chính sách và quá trình hoạt động.
“Quan điểm cá nhân của tôi đây là dịch vụ vận tải vì bản chất chúng ta đưa khách từ điểm A đến điểm B. Tất cả chuỗi công nghệ khoa học, gọi tắt là 4.0, chỉ giúp tối ưu hoá công việc, giúp ngành vận tải làm tốt hơn, tiết kiệm chi phí, đem lại giá trị tốt hơn cho đồng tiền người tiêu dùng", ông giải thích.
Nhà sáng lập Be Group cho rằng hoàn toàn sai lầm khi ai đó nói rằng gọi dịch vụ gọi xe trực tuyến là công ty vận tải sẽ đi ngược thời đại công nghiệp 4.0. Ông nói chính Be Group là công ty tiên phong đưa công nghệ 4.0 vì chuỗi dịch vụ và ứng dụng 4.0 nhưng không hề thay đổi bản chất là việc công ty vận chuyển khách từ điểm A đến điểm B.
Nhà sáng lập Be Group (sở hữu ứng dụng gọi xe BE), ông Trần Thanh Hải. |
Bên lề phán quyết về vụ việc, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng ủng hộ phán quyết của HĐXX về việc Grab đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Ông cho rằng các mô hình như Grab cần được sớm định danh rõ ràng là loại hình kinh doanh vận tải và mong các nhà hoạch định chính sách sớm đưa ra các giải pháp và sửa đổi phù hợp cho Nghị định 86 mới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Nguyễn Chí Dũng - cho rằng định danh Grab là việc rất khó.
"Hiện nay, các nước cũng chưa phân định rõ về mô hình gọi xe qua ứng dụng. Nước phạt, nước cấm, nước đánh thuế kiểu này, nước đánh thuế kiểu kia. Trong quá trình nghiên cứu ở nước khác, đa phần chuyên gia khuyên là không nên can thiệp quá mạnh và nên để kinh tế chia sẻ tự phát triển vì đây là loại hình quá mới, phát triển và thay đổi rất nhanh", Bộ trưởng giải thích.
Theo Bộ trưởng, nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi.
"Nhưng nếu chúng ta ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng xấu đến kinh doanh truyền thống", ông nói.