|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không tìm được tiếng nói chung, Grab và Vinasun hòa giải bất thành

11:06 | 26/12/2018
Chia sẻ
Grab cho rằng lợi ích thương mại từ đề nghị này có thể lớn hơn thiệt hại Vinasun đưa ra và có lợi ích hai bên. Lợi ích tương lai có thể lớn hơn nhiều so với lợi ích hiện tại. Đồng thời, theo Grab lập luận của Vinasun về thiệt hại rất mơ hồ. Vinasun thì cho rằng do Grab đưa ra giá mua cổ phiếu chênh lệch so với giá thị trường 65 tỉ đồng nên công ty không đồng ý.

Grab muốn mua cổ phần của Vinasun với giá chênh lệch so với thị trường 65 tỉ đồng

Ngày 26/12, TAND TP HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Tại phiên tòa lần này, Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi phía đại diện Vinasun về việc hai bên đã đi đến hòa giải chưa.

Phía Vinasun cho biết việc đề nghị dừng phiên tòa để hòa giải là Grab chứ không phải Vinasun. Grab đưa ra đề nghị với Vinasun không đúng nên hòa giải không thành.

khong tim duoc tieng noi chung grab va vinasun hoa giai bat thanh
Đại diện Vinasun tranh luận trước tòa. (ảnh: MA).

Trong khi đó, đại diện Grab cho rằng, nếu nguyên đơn muốn tiếp tục hòa giải thì Grab đàm phán tiếp. Tuy nhiên, Vinasun khẳng định trước tòa không muốn hòa giải. Theo đó, cả hai bên yêu cầu tòa tiếp tục xét xử theo quy định pháp luật.

Nói về nội dung hòa giải, Grab cho biết đã đề nghị mua cổ phần của Vinasun nhưng không được chấp nhận. Grab cho rằng lợi ích thương mại từ đề nghị này có thể lớn hơn thiệt hại Vinasun đưa ra và có lợi ích hai bên. Lợi ích tương lai có thể lớn hơn nhiều so với lợi ích hiện tại. Đồng thời, theo Grab lập luận của Vinasun về thiệt hại rất mơ hồ.

Vinasun thì cho rằng do Grab đưa ra giá mua cổ phiếu chênh lệch 65 tỉ đồng nên công ty không đồng ý. Mặt khác, số tiền đó dù có lớn hơn nữa nhưng mục đích của Vinasun không phải vì khoản tiền đó mà mục đích khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại để làm sao làm rõ được các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab.

"Đây là lợi ích của đất nước, cùa quốc gia với mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh”, Vinasun cho biết.

khong tim duoc tieng noi chung grab va vinasun hoa giai bat thanh
Đại diện Grab tại phiên tòa (ảnh: MA)

Tranh cãi về đóng bảo hiểm cho người lao động

Quay lại xét hỏi, Vinasun cho biết năm 2016, đơn vị này đã đóng 310 tỉ đồng tiền đóng bảo hiểm cho người lao động trong khi Grab không có hợp đồng lao động với lái xe.

Trước quan điểm trên, đại diện Grab cho biết, đóng bảo hiểm cho lái xe không thuộc trách nhiệm Grab mà thuộc trách nhiệm của các đơn vị ký hợp đồng với Grab.

Đây là trách nhiệm của các Hợp tác xã chứ không phải thuộc trách nhiệm của Grab nên Grab không biết các Hợp tác xã có mua bảo hiểm cho người lao động hay không.

Khi đại diện Grab hỏi Vinasun về việc số lượng lái xe của Vinasun giảm vì đã chuyển qua hoạt động nhượng quyền, những tài xế này còn là người lao động của Vinasun hay không.

Đại diện Vinasun cho biết trong quá trình Vinasun nhượng quyền, lái xe của công ty được bảo đảm đầy đủ chế độ, bao gồm bảo hiểm.

Thẩm phán không thể tiến hành hòa giải khi quá trình xử án diễn ra

Liên quan đến quan điểm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun giảm do ảnh hưởng từ Grab, đại diện Grab cho rằng lập luận này rất mơ hồ, mong HĐXX xem xét kỹ vấn đề này.

Đồng thời, giám định thiệt hại của Công ty Cửu Long cũng cần được xem xét kỹ hơn do thiếu độ tin cậy, hoàn toàn một chiều. Do đó, Grab đề nghị HĐXX tuyên bố đình chỉ.

Trước đó, tại phiên tòa 30/11, có một tình tiết xuất hiện khi đương sự hai bên tự đến tòa và đề nghị hòa giải. Tuy nhiên, họ chưa công bố phương án hòa giải cụ thể và theo quy định pháp luật, việc hòa giải thẩm phán không thể tiến hành trong khi quá trình xử án diễn ra.

HĐXX nhận định đây là dấu hiệu tích cực nhưng theo quy định, thẩm phán không thể đứng ra tiến hành hòa giải vì phiên tòa đang diễn ra.

Xem thêm

Minh Anh