|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cấu hình của Mintzberg (Mintzberg's Organizational Configurations) là gì? Phương pháp sử dụng

11:56 | 12/12/2019
Chia sẻ
Cấu hình của Mintzberg (tiếng Anh: Mintzberg's Organizational Configurations) là một cấu trúc mô tả sáu hình thể tổ chức. Các hình thể tổ chức này giúp nắm bắt, điều khiển các quyết định và hoạt động trong một tổ chức.
Cấu hình của Mintzberg (Mintzberg's Configurations) là gì? Phương pháp sử dụng - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: perdoo.com)

Cấu hình của Mintzberg

Khái niệm

Cấu hình của Mintzberg trong tiếng Anh là Mintzberg's Organizational Configurations.

Cấu hình của Mintzberg là một cấu trúc mô tả sáu hình thể tổ chức. Các hình thể tổ chức này giúp nắm bắt, điều khiển các quyết định và hoạt động trong một tổ chức.

Các hình thể cơ bản giúp nhận diện các tổ chức và những vấn đề cốt lõi (đặc thù) của họ. Việc sử dụng các hình thể cơ bản có thể giúp tránh những lựa chọn, thiết kế cấu trúc tổ chức "sai" và phối hợp các hoạt động không hiệu quả.

Cấu hình của Mintzberg có thể được sử dụng để khám phá các cấu trúc và qui trình tổ chức liên quan tới từng chiến lược của tổ chức. Các nhà quản lí có thể xác định không chỉ tổ chức của mình thuộc loại nào mà cả những thay đổi cần thiết để làm cho tổ chức vững chắc từ bên trong cũng như có thể giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong phối hợp hành động.

Bản chất của mô hình Mintzberg là giúp nắm bắt mối quan hệ giữa bản chất của một tổ chức với các cơ chế phối hợp của nó.

Cấu hình của Mintzberg (Mintzberg's Configurations) là gì? Phương pháp sử dụng - Ảnh 2.

Phương pháp sử dụng

Khi sử dụng mô hình các cấu hình của Mintzberg để phân tích và tái thiết kế tổ chức, cần bắt đầu từ việc nhận diện các khối thiết lập cơ bản của tổ chức ấy.

Theo Mintzberg, mọi tổ chức bao hàm sáu khối thiết lập sơ cấp:

1. Hạt nhân vận hành;

2. Quản lí chiến lược cấp cao;

3. Quản lí cấp trung;

4. Hạ tầng công nghệ;

5. Nhân viên hỗ trợ;

6. Hệ tư tưởng.

Sáu khối thiết lập tổ chức này là những yếu tố bên trong quyết định một tổ chức sẽ phát triển như thế nào. Thêm vào đó, có nhiều thế lực bên ngoài như các cổ đông, nhà cung cấp và khách hàng, tất cả đều có tác động tới tổ chức.

Sau khi nhận diện và cấu hình cho các khối thiết lập tổ chức, doanh nghiệp phải phân tích và thiết kế các cơ chế điều phối phù hợp. Lao động, quản trị và kiểm soát có thể được phân bổ khác nhau giữa các khối thiếp lập của tổ chức. 

Vì vậy, việc sử dụng các cơ chế phối hợp khác nhau xác định cấu trúc cuối cùng của tổ chức. Hơn thế, khi tổ chức thiếu sự điều phối phù hợp, họ có thể chính trị hóa bởi các bộ phận khác nhau của tổ chức sẽ đối chọi để giành khoảng trống quyền lực.

Mintzberg cho rằng phần không thể thiếu trong thiết kế tổ chức là sự vận dụng các tham số thiết kế như: chuyên môn hóa công việc, chuyên môn hóa hành vi, đào tạo, tuyên truyền, nhóm đơn vị, kích thước đơn vị, các hệ thống hoạch định và kiểm soát, các phương thức kết nối (chẳng hạn các vị trí, ban công tác, các giám đốc tích hợp và cấu trúc ma trận).

Tuy nhiên, tham số quan trọng nhất trong mô hình cấu hình tổ chức của Mintzberg là cách thức quyền lực được phân bổ trong tổ chức. Sự phân phối quyền lực liên quan tới kiểu phân quyền và thay đổi ở mỗi cấu hình tổ chức.

Cuối cùng, việc lựa chọn các tham số thiết kế cũng được xác định bởi các nhân tố bối cảnh nằm ngoài sự kiểm soát của các nhà quản lí (chẳng hạn như độ tuổi, kích thước, hệ thống kĩ thuật và các yếu tố trong môi trường như các bên hưởng lợi khác nhau).

(Tài liệu tham khảo: Những mô hình quản trị kinh điển, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Đức Nhượng