|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cái bắt tay của hai tỉ phú Đông Âu Phạm Nhật Vượng - Nguyễn Đăng Quang: Đế chế tỉ USD tham vọng thống lĩnh ngành bán lẻ - hàng tiêu dùng Việt Nam?

15:37 | 03/12/2019
Chia sẻ
Vingroup có thể buông bỏ một số ngành kinh doanh để dồn nguồn lực cho cuộc chuyển đổi công nghiệp - công nghệ tầm nhìn 10 năm, trong khi Masan cũng đang cần một cách tay nối dài để gia cố vị thế, tăng sức cạnh tranh trong công cuộc chinh phục người tiêu dùng trong nước...

CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) và CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) vừa có "cái bắt tay lịch sử" trong ngành bán lẻ - hàng tiêu dùng thông qua việc tạo một doanh nghiệp mới từ hợp nhất CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco và CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding.

Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần công ty mới sau sáp nhập. Masan Group với tỷ lệ sở hữu chi phối sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, phía Vingroup sẽ là cổ đông.

Trước đó, Vingroup đã có những động thái nhằm chuyên biệt hóa hoạt động của VinCommerce. VinCommerce lần lượt tách CTCP Kinh doanh và Thương mại Dịch vụ Vinpro, CTCP Đầu tư Kinh doanh và Thương mại P&S và CTCP Phát triển Thương mại Dịch vụ Adayroi khỏi hệ thống để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. 

Đồng thời, Vingroup chuyển giao quyền sở hữu 64,3% cổ phần tại VinCommerce cho một pháp nhân mới thành lập là CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (Công ty VCM). Công ty VCM sau đó nhận đầu tư 500 triệu USD từ cổ đông ngoại là quĩ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore (GIC) để đổi lấy 16,26% vốn cổ phần, nâng định giá VinCommerce vượt mức 3 tỉ USD.

Untitled-2-01

Đồ họa: Alex

Sự kết hợp hoàn hảo?

Cuối năm 2014, Vingroup bắt đầu lấn sân sang mảng bán lẻ thông qua việc mua lại 70% vốn Công ty Ocean Retail, chủ hệ thống siêu thị Ocean Mart. Kể từ đó, Vingroup liên tục thâu tóm các chuỗi siêu thị hoạt động kém hiệu quả như VinatexMart, MaxiMart rồi đến Fivimart, Shop&Go, QueenMart... những năm gần đây. 

Cùng với việc không ngừng mở rộng, qui mô hệ thống bán lẻ của Vingroup đạt 120 siêu thị VinMart và gần 2.300 cửa hàng tiện ích VinMart+ phủ sóng 62 tỉnh thành tính đến hết tháng 9/2019. 

Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup lần đầu tiên vượt mức 1 tỉ USD, cao hơn 11% so với cả năm 2018. Sau năm 2017 chững lại, doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup quay trở lại mức tăng trưởng gần 50% mỗi năm, trở thành hệ thống bán lẻ hiện đại qui mô lớn nhất cả nước. 

kết quả kinh doanh bán lẻ của Vingroup

BM tổng hợp

Các số liệu từ công ty cũng cho thấy, doanh thu trên từng điểm bán (SSSG) tại VinMart và VinMart+ hiện đang đạt mức tăng trưởng lần lượt 14% và 19% cho thấy hệ thống này ngày càng được khách hàng tin dùng. Tuy vậy, xét về hiệu quả, VinMart và VinMart+ vẫn chưa thể sinh lãi. 

Trong thương vụ sáp nhập VinCommerce, VinEco với Masan Consumer Holding, thì Masan được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn khi có được hệ thống phân phối hiện đại hiệu quả cho ngành hàng tiêu dùng của mình. 

Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT của Masan Consumer Holding cho rằng: "Sự gia nhập của VinCommerce và VinEco mang tính cộng hưởng nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan, giúp cho Tập đoàn nhanh chóng đạt mục tiêu trở thành Tập đoàn Tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới". 

Quản lý trực tiếp hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+, các sản phẩm tiêu dùng của Masan có lợi thế không nhỏ về vị trí trong kênh bán hàng hiện đại. 

Báo cáo của Kantar Worldpanel cho biết trong 98% hộ gia đình Việt Nam ít nhất có một sản phẩm của Masan. Các mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp bao gồm nước tương, nước mắm, tương ớt (thống lĩnh thị phần), các sản phẩm khác như  mì ăn liền, cháo, xúc xích, cà phê hòa tan, ngũ cốc dinh dưỡng và nước uống đóng chai… cũng đang có được những thành công nhất định. 

Trong năm vừa rồi, tổng doanh thu của Masan Consumer đạt hơn 17.000 tỉ đồng, với biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 45%. Lợi nhuận sau thuế gần 3.400 tỉ đồng, cũng là mức cao nhất trong nhiều năm. 

kết quả kinh doanh của Masan qua các năm

BM tổng hợp

Để có được thành công nói trên, Masan Consumer xây dựng được cho mình hệ thống phân phối 180.000 điểm bán lẻ thực phẩm và 160.000 điểm bán lẻ đồ uống đủ sức phân bổ trên toàn thị trường. 

Như vậy, sự kết hợp của VinCommerce, VinEco và Masan Consumer có thể tạo nên một doanh nghiệp với qui mô doanh thu xấp xỉ 2 tỉ USD, chưa kể yếu tố tăng trưởng trong ngành bán lẻ và yếu tố cộng hưởng khi một doanh nghiệp vừa đảm nhiệm khâu sản xuất và phân phối. 

Hiện định giá tương đối của Masan Consumer trên sàn chứng khoán là khoảng 2,3 tỉ USD, thấp hơn so với định giá hơn 3 tỉ USD mà GIC đã đưa ra đối với VCM. 

Tuy nhiên, với hoạt động đang hiệu quả hơn cùng với kinh nghiệm làm việc với các nhà phân phối trong nhiều năm, thì việc Masan Consummer "đứng mũi chịu sào" cho hoạt động của công ty sau sáp nhập mang đến nhiều kỳ vọng sẽ đưa công ty mới phát triển tốt hơn.

tổng hợp mảng kinh doanh và bán lẻ của Vingroup và Masan Group

BM tổng hợp

Mục tiêu thống lĩnh thị trường? 

Theo thỏa thuận, Masan Consumer Holding cho biết sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách với nhà cung cấp. Tuy nhiên về chiến lược phát triển chưa được phía Masan đề cập đến trong thông báo lần này. 

Trước đó, Vingroup đặt mục tiêu mở 300 siêu thị VinMart và 10.000 cửa hàng tiện ích VinMart+ đến năm 2025. Công ty cũng muốn tích hợp các kênh trực tuyến và hệ thống siêu thị/cửa hàng trên toàn quốc, thông qua mua sắm qua ứng dụng điện thoại, qua cổng thương mại điện tử và website VinMart.com. Nguồn lực để mở rộng qui mô hệ thống đến mức nói trên được dự báo sẽ không phải là con số nhỏ.  

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GOS), trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của Việt Nam đạt 3,4 triệu tỉ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Còn theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel, mô hình bán lẻ hiện đại cũng đang dần thế chỗ các mô hình truyền thống, đặc biệt là tại khu vực thành thị. Kênh bán online cũng có những bước tiến đáng kể, tăng trưởng gần 200% trong những năm gần đây. Trong khi đó, mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng đạt được tốc độ tăng tới 40%.

Cũng chính vì lẽ đó, những năm gần đây, hàng loạt ông lớn nước ngoài đã đổ xô đến Việt Nam để tìm cơ hội. Trong đó có cả những đại gia trong ngành thương mại điện tử như Alibaba, sắp đến là Amazon thâm nhập sâu vào thị trường nội địa thì rủi ro của các nhà sản xuất trong nước trở nên lớn hơn nhiều.

Điều mà ngay cả bản thân Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin của tập đoàn Masan, ông Nguyễn Anh Nguyên từng lo sợ  rằng, "Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất".

Chính vì vậy, ông Nguyên khi đó đã cho rằng phải hành động thật nhanh đồng thời tiết lộ cách thức của Masan là bắt đầu bắt tay với các đối tác lớn ở Việt Nam để tự vệ với làn sóng tấn công từ bên ngoài về thương mại. 

"Chúng tôi sẽ làm thế nào? Chúng tôi chưa biết. Nhưng ít nhất chúng tôi có ý tưởng về việc đó. Hãy chúc chúng tôi may mắn", ông Nguyên nói tại Diễn đàn Công nghệ FPT 2019 diễn ra giữa tháng 11.

Quay trở lại sự kiện lần này, nhiều người quan sát cho rằng cái bắt tay của những ông chủ cùng có thời gian lập nghiệp tại Đông Âu nhằm giải quyết những bài toán riêng của cả mỗi doanh nghiệp, một bên đang tập trung cho nhiệm vụ chính là chuyển đổi công nghiệp - công nghệ, còn một bên thì giải quyết được bài toán bán hàng và tiết giảm chi phí.

Song, một số khác vẫn cho rằng, với tiềm lực của hai doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam thời điểm hiện tại, đích đến của hai "ông lớn" không gì khác ngoài mục tiêu tạo nên một thế lực đủ lớn để thống lĩnh thị trường, đủ năng lực cạnh tranh sòng phẳng với với các doanh nghiệp nước ngoài trong cuộc giành và giữ thị phần bán lẻ nội địa.

Bạch Mộc