Chuỗi nhà thuốc VinFa co hẹp qui mô khi Vingroup dồn lực cho VinFast, VinSmart?
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định giao đất cho CTCP VinFa thuê để đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc VinFa (đợt 2) tại xã Đại Bái và xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh sẽ giao 2.839 m2 đất (đã thực hiện xong bồi thường, giải phóng mặt bằng) gồm 1.922 m2 đất ở và 917 m2 đất giao thông, thủy lợi cho VinFa.
Trước đó, trong báo cáo hoạt động 9 tháng đầu năm của tỉnh Bắc Ninh, một trong những nhiệm vụ mà Tỉnh giao Sở Xây dựng là đôn đốc chủ đầu tư dự án Nhà máy dược phẩm VinFa sớm khởi công.
Những thông tin trên cho thấy rằng, CTCP VinFa (một thành viên của Tập đoàn Vingroup) chưa bắt đầu triển khai dự án nghiên cứu dược phẩm của mình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, dự án mà theo kế hoạch công bố ban đầu sẽ khởi công từ quí III/2018.
Tháng 4/2018, Vingroup cho biết sẽ đầu tư 2.200 tỉ đồng vào dự án VinFa tại Bắc Ninh, xây dựng trên diện tích 10 ha, theo tiêu chuẩn quốc tế với các phân khu: nghiên cứu, sản xuất, hậu cần và các công trình phụ trợ.
Mục tiêu của Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc VinFa là sản xuất và kinh doanh các bài thuốc Đông y và các loại thuốc Tây y chất lượng tốt, phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Ngoài ra, VinFa cũng cho biết sẽ tập trung vào các mảng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vaccine và thiết bị y tế…
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của người viết, nhiều cửa hàng phân phối thuốc của VinFa đóng cửa trong những tháng gần đây. Lý giải của bộ phận tư vấn khách hàng công ty này cho biết, doanh số bán hàng tại các cửa hàng không tốt dẫn đến việc phải tái cơ cấu.
Hiện tại, VinFa thông tin chỉ còn giữ lại một số điểm phân phối tại Royal City, Times City, tòa nhà Viglacera và khu đô thị Linh Đàm…
Tháng 6/2019, VinFa mở những nhà thuốc đầu tiên tại TP HCM, nhưng kế hoạch Nam tiến được cho biết cũng đã lùi lại.
So với tham vọng ban đầu, bước đi của VinFa đang tỏ ra khá chậm chạp.
Xét riêng mảng phân phối, hình ảnh VinFa đóng cửa hàng đối lập hoàn toàn với một doanh nghiệp trong ngành có trụ sở tại TP HCM - Pharmacity. Quí III vừa qua, chuỗi dược phẩm được đầu tư bởi Mekong Capital khai trương thêm 27 cửa hàng nâng tổng số lên 227 điểm bán trên toàn quốc.
Nhà thuốc VinFa trên đường Vương Thừa Vũ - Thanh Xuân - Hà Nội (Ảnh: BM)
Dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, vốn điều lệ - "tấm đệm" cho hoạt động kinh doanh của VinFa, vừa bị rút mỏng.
Thực tế, CTCP VinFa được thành lập từ tháng 7/2015 bởi ba cá nhân. Khi đó vốn điều lệ công ty khoảng 3 tỉ đồng do bà Nguyễn Thị Quang Vinh góp 81%, bà Bùi Thị Quang góp 10% và 9% phần còn lại thuộc về bà Nguyễn Minh Dương.
Tháng 1/2018, Vingroup mua lại 9.000 cổ phiếu công ty VinFa (3% vốn điều lệ) sau đó góp thêm 443 tỉ đồng tăng sở hữu lên hơn 96%. Tuy nhiên cuối tháng 8 năm nay, VinFa giảm vốn điều lệ xuống 200 tỉ đồng, đồng thời tỷ lệ sở hữu của Vingroup cũng giảm còn 59%.
Theo giới quan sát, Vingroup hiện đang tập trung nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh chính gồm bất động sản với các đại dự án; công nghiệp - công nghệ thông qua sản xuất ô tô, xe máy (VinFast), điện thoại (Vsmart); bán lẻ với siêu thị VinMart và hệ thống cửa hàng tiện lợi VinMart+...
Quí III năm nay, Vingroup đạt doanh thu thuần 31.571 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kì. Trong đó, riêng mảng chuyển nhượng, cho thuê bất động sản và bán lẻ chiếm tỷ trọng tới 80%; hoạt động sản xuất công nghiệp đóng góp khoảng 7% doanh thu.
Cũng giống như VinFa, một chuỗi nhà thuốc khác là An Khang của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) mở ra cuối năm 2017 cũng không thể phát triển mạnh mẽ và thành công như những đơn vị tiền nhiệm Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh...
Với việc dân số Việt Nam và thu nhập bình quân ngày càng tăng nhanh, ngành dược phẩm được dự báo sẽ tăng trưởng hai chữ số trong vòng 5 năm tới. Do đó mô hình chuỗi dược phẩm có thương hiệu được coi là "mỏ vàng" nếu các nhà đầu tư có thể phát triển thành công và giành được miếng bánh cho mình.