Sáp nhập VinCommerce vào Masan, CEO Vingroup: 'Chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực cho Vinfast và VinSmart'
Thương vụ sáp nhập gây bất ngờ giữa hai tỉ phú Phạm Nhật Vượng (trái) và Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: Đầu tư Chứng khoán.
Chưa xác định tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu
Thương vụ "bom tấn" sáp nhập VinCommerce (công ty sở hữu chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích Vinmart và Vinmart+) và VinEco (công ty nông nghiệp thuộc VinCommerce) vào tập đoàn Masan được công bố sáng nay khiến thị trường tài chính xôn xao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm CEO Vingroup cho biết: "Bản chất thương vụ này là Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần của mình tại VinCommerce thành cổ phần của công ty mới, hình thành trên cơ sở sáp nhập VinCommerce với Masan Consumer Holdings".
Theo đó, hai bên đang xác định tỉ lệ hoán đổi và chưa có thông tin cuối cùng về tỉ lệ này.
Không ảnh hưởng quyền lợi nhà đầu tư, nhà cung cấp, nhân viên, khách hàng
"Masan sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại cũng như chính sách đối với nhà đầu tư và nhà cung cấp. Đối với các cán bộ nhân viên, họ sẽ được kế thừa toàn bộ quyền lợi hiện có của Vingroup, đồng thời hưởng thêm các quyền lợi theo chính sách của Masan", ông Quang cho biết.
Người điều hành Vingroup cũng khẳng định, toàn bộ khách hàng sử dụng dịch vụ của VinComerce sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID.
Thay đổi chiến lược, tập trung nguồn lực cho Vinfast và VinSmart
"Vingroup thay đổi chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào công nghệ, công nghiệp với khát vọng toàn cầu của Vinfast và VinSmart. Chúng tôi phải tối ưu hóa mọi nguồn lực để phát triển hai DN này vững mạnh, đạt được khát vọng đó", ông Quang cho biết.
Về việc chuyển giao quyền điều hành công ty sau sáp nhập cho Masan, ông Quang lí giải do tỉ lệ sở hữu của Vingroup trong công ty này nhỏ hơn phía Masan, nên Vingroup đã chuyển giao quyền điều hành chuỗi siêu thị VinMart, chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart+ và hệ thống 14 trang trại công nghệ cao của công ty VinEco cho Masan.
CEO tập đoàn này cũng cho biết, khi có ý định không tiếp tục theo đuổi mảng kinh doanh của VinCommerce, Vingroup đã tìm kiếm doanh nghiệp trong nước đủ tiềm lực để đồng hành nhằm không để thị trường bán lẻ tiếp tục rơi vào tay nước ngoài.
"Ngoài ra, đó phải là DN có năng lực và nền tảng tốt để tiếp quản và phát triển VinCommerce và VinEco lên một tầm cao mới. Masan chính là lựa chọn phù hợp nhất để tiếp tục dẫn dắt ngành tiêu dùng - bán lẻ VN", ông Quang nói, tin tưởng rằng sau thương vụ này VN sẽ có thêm một doanh nghiệp tầm cỡ trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng.
Không bán VinSchool, VinMec
"Vingroup đã lựa chọn phát triển mảng y tế và giáo dục phi lợi nhuận, và sẽ tiếp tục theo đuổi lựa chọn này", ông Quang trả lời câu hỏi về kịch bản tối ưu nguồn lực.
Đối với các mảng bán lẻ và nông nghiệp, theo ông Quang, Vingroup đã đặt những nền móng vững chắc ban đầu với hệ thống bán lẻ có qui mô số 1 VN với hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng tiện ích mang thương hiệu VinMart - VinMart+ và 14 nông trại công nghệ cao làm nông nghiệp sạch của VinEco.
"Giờ đây, Vingroup có thể tự tin bàn giao lại 2 hệ thống này cho một doanh nghiệp Việt xứng tầm, có năng lực cốt lõi phù hợp để tiếp tục phát triển hệ thống này một cách vững mạnh hơn nữa", ông Quang bình luận.