Các ứng dụng đặt xe tập trung vào chất lượng, an toàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường châu Á
Grab vừa cho ra mắt chương trình mới nhằm ngăn tài xế chuyển sang các nền tảng khác tại Indonesia. Ảnh: Takaki Kashiwabara
Phát súng đầu tư đến từ Didi Chuxing - ứng dụng đặt xe của Trung Quốc
Nikkei Asian Review đưa tin, các ứng dụng đặt xe hàng đầu như Didi Chuxing của Trung Quốc và Grab của Singapore đang khám phá những hướng mới để giúp chuyến xe an toàn hơn và đảm bảo rằng tài xế giỏi - nhân tố ngày càng đóng vai trò quan trọng - vẫn theo khuôn khổ của công ty.
Mô hình kinh doanh dịch vụ đặt xe lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ nhờ Uber Technologies. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc từ lâu đã vượt qua Mỹ và hiện có qui mô lớn hơn gần gấp đôi.
Trong bối cảnh ấy, Didi đã bắt đầu cung cấp hệ thống độc quyền để quản lí đội xe và dòng tiền thông qua một ứng dụng vào tháng 4. Họ hi vọng 1.500 công ty đặt xe trên thế giới sử dụng nó vào cuối năm nay.
Thay vì duy trì mô hình thông thường, theo đó các chủ xe ô tô cung cấp chuyến đi trong thời gian rảnh rỗi, ngày càng nhiều công ty sử dụng đội xe và tài xế chuyên dụng để cung cấp dịch vụ đặt xe. Khoảng 6.000 doanh nghiệp ở Trung Quốc đang hoạt động theo mô hình mới.
Didi thu thập dữ liệu từ 30 triệu phương tiện mỗi ngày. Họ hi vọng hệ thống mới - được xây dựng dựa trên nỗ lực quản lí rủi ro và dữ liệu trong 7 năm - sẽ giúp các doanh nghiệp ban hành các biện pháp an toàn tốt hơn và kiếm tiền hiệu quả hơn.
Sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc giúp Didi phát triển nhanh. Công ty đã sáp nhập với đối thủ Kuaidi Dache vào năm 2015, mua lại hoạt động tại Trung Quốc của Uber và hiện có khoảng 550 triệu người dùng.
Tuy nhiên, ngay cả khi Didi kiểm soát hơn 60% thị trường quê nhà, công ty không phải là một cái tên quen thuộc ở nước ngoài. Vì thế, Cheng Wei, tổng giám đốc Didi, có kế hoạch tăng cường đầu tư vào thị trường bên ngoài đại lục.
Grab ra mắt chương trình tài xế chất lượng cao tại Indonesia
Kỳ lân từ Singapore đã triển khai một chương trình mới tại các tỉnh và thành phố của Indonesia. Mục đích của chương trình là ngăn tài xế giỏi chuyển sang nền tảng khác. Những người có điểm đánh giá từ 4,7 và đáp ứng các chỉ tiêu doanh số khác sẽ thuộc nhóm tài xế "Elite+" và có thể kiếm thêm 20% từ mỗi chuyến đi so với tài xế thông thường.
Grab đã mua lại hoạt động tại Đông Nam Á của Uber vào năm 2018 sau một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Dịch vụ đặt xe tại khu vực hiện do Grab và đối thủ Go-Jek của Indonesia chi phối. Hai công ty nằm trong nhóm 17 "kì lân nhiều sừng" (decacorn) trên thế giới - "câu lạc bộ" các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa niêm yết trị giá từ 10 tỉ USD.
FastGo cũng không phải dạng vừa
Những "tay chơi" mới cũng đang chiến đấu hết mình vì thị phần. FastGo (có trụ sở tại Việt Nam) trong năm nay đã triển khai FasstBike Pro - một dịch vụ chạy xe máy chỉ sử dụng tài xế do công ty phỏng vấn và sàng lọc. FastGo cho rằng việc đảm bảo đội ngũ tài xế chất lượng là cách hay để thâm nhập thị trường Việt Nam, hiện chủ yếu do Grab kiểm soát.
Công ty giảm giá chuyến xe cho các tài xế "Pro" và đảm bảo thu nhập cho họ trong một khoảng thời gian nhất định. Họ cũng nhận được đồng phục miễn phí. Khoảng 500 tài xế Pro đã được tuyển cho đến nay.
Theo Statista, dịch vụ đặt xe có thể thu về 49 tỉ USD từ các nền kinh tế lớn của châu Á trong năm 2019, với Trung Quốc chiếm khoảng 35,5 tỉ USD. Giới phân tích dự đoán doanh thu có thể chạm mức 85 tỉ USD tại châu Á và 62,1 tỉ USD tại Trung Quốc vào năm 2023.
Mặc dù Didi chiếm ưu thế chưa từng có tại Trung Quốc, cuộc cạnh tranh chỉ mới bắt đầu ở Indonesia, Singapore, Thái Lan và Malaysia. Thực tế ấy sẽ thúc đẩy các công ty phải đáp ứng nhu cầu riêng biệt ở từng thị trường mục tiêu ở Đông Nam Á - khu vực vốn đa dạng về kinh tế và văn hóa.