FastGo tuyên bố đứng thứ hai thị phần gọi xe chỉ sau 6 tháng ra mắt
Hôm nay, ứng dụng FastGo bất ngờ công bố thông tin chính thức ra mắt dịch vụ gọi xe tại thị trường Myanmar, dù đây là một “tân binh” khá mới của “cuộc chiến” gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Cụ thể, đầu tháng 6, FastGo mới chính thức hoạt động và chọn Hà Nội làm nơi tuyển tài xế, giành giật thị phần từ trong tay Grab, kể từ khi Uber rút đi vào tháng 4. Hai tháng sau, hãng này mới “Nam tiến” vào TP.HCM để mở rộng thị phần.
FastGo không triển khai các "chiêu trò" để thu hút tài xế từ khi ra mắt tới nay. Ảnh: FastGo |
Dù có thời gian hoạt động mới tròn nửa năm và không nhiều “chiêu trò” thu hút tài xế, khách hàng FastGo lại tự tin tuyên bố là hãng hàng đầu trong cuộc chiến khốc liệt này.
“Ứng dụng FastGo có số lượng người dùng đứng thứ hai trên thị trường, có mặt ở 10 tỉnh thành phố trên cả nước với hơn 40.000 đối tác lái xe đăng ký sử dụng”, đại diện hãng cho hay.
Lúc mới ra mắt, ứng dụng gọi xe này kỳ vọng có khoảng 20.000 tài xế trong hai năm tới, tuy nhiên, theo thông tin trên thì tham vọng của hãng đã tăng gấp đôi, dù chỉ mất vài tháng.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo cho hay việc “tiến quân” ra nước ngoài và nhắm đến khu vực Đông Nam Á vốn nằm trong kế hoạch mở rộng hoạt động của hãng.
Tại thị trường mới, FastGo đã hợp tác liên doanh với một tập đoàn của Myanmar để phát triển dịch vụ gọi xe. Ngoài ra, hãng cũng tham vọng có được một “hệ sinh thái” tương tự cách mà Grab và Go-Viet đang làm tại thị trường Việt Nam, tức tích hợp các tiện ích ăn uống, tài chính cá nhân, du lịch bên cạnh đi lại, vận chuyển.
FastGo tuyên bố có số lượng người dùng đứng thứ hai thị trường chỉ sau 6 tháng hoạt động. Ảnh chụp màn hình. |
Đại diện hãng cho biết Myanmar có tốc độ phát triển nhanh trong thương mại điện tử, du lịch và bán lẻ nên mới mang quân sang nhằm giành lấy thị trường tiềm năng.
Mục tiêu của FastGo là có được 2 triệu người dùng và 100.000 đối tác mới tại thị trường gọi xe công nghệ tại Myanmar. Hãng này cho rằng các chính sách như không thu chiết khấu tài xế, không tăng giá theo lúc cao điểm sẽ là ưu thế cạnh tranh để thu hút đối tác và khách hàng tại nơi kinh doanh mới.
Trong khi FastGo tuyên bố chính thức có mặt tại Myanmar thì ngay tại thị trường trong nước, hãng này cũng phải đang cạnh tranh khốc liệt với hàng loạt tay chơi khác. Ngoài Grab, Go-Viet, Vato, Aber… mới đây, tân binh “Be” cũng đã xuất hiện với nhiều dịch vụ từ xe ôm đến ôtô 4-7 chỗ.
Cuối năm, các hãng này cũng cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi tung nhiều khuyến mãi dành cho khách hàng lẫn chương trình thưởng với đối tác.